Tin trong tỉnh

Ô nhiễm nghiêm trọng ở các cảng cá lớn nhất Nghệ An

Lạch Quèn và Lạch Vạn là hai cảng cá đồng thời là nơi tránh trú, neo đậu tàu thuyền thuộc tốp lớn nhất Nghệ An. Tuy nhiên nhiều năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường ở 2 cảng cá này “nổi” không kém sản lượng mà tàu thuyền đánh bắt được.

Cảng Lạch Quèn là đoạn cuối của sông Hàu có chiều dài khoảng 7km, hàng ngày có trên dưới 1.000 tàu đánh bắt xa bờ ra vào. Ảnh: P.V

Doanh nghiệp dửng dưng

Ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Công ty TNHH thủy sản Lực Sỹ là một trong những doanh nghiệp tư nhân “có số” trong lĩnh vực chế biến hải sản. Công ty này được Nhà nước “ưu ái” cho thuê đất với diện tích gần 2000m2 để xây dựng cơ sở mới ngay vị trí sát với sông Hàu và Cảng cá Lạch Quèn, rất thuận lợi cho hoạt động thu mua, chế biến và vận chuyển hàng hóa. Tháng 10/2017, Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ được Sở TN&MT cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Một trong nhiều hố ga thu nước thải xuống bể ngầm sau đó xả ra Lạch Quèn của Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ. Ảnh: P.V

Dù vậy, Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ liên tục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bị chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở. Cụ thể, ngày 17/5/2018, Đoàn kiểm tra của UBND xã Tiến Thủy thực hiện kiểm tra hồ sơ pháp lý và cơ sở sản xuất của Công ty TNHH thủy sản Lực Sỹ. Về hồ sơ, qua kiểm tra là đầy đủ, trong đó có giấy phép xả thải vào nguồn nước số 53/GP-STNMT.HBHĐ của Sở TN&MT ngày 9/10/2017.

Tuy nhiên, tại cơ sở sản xuất của công ty này không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định. Hệ thống xả thải chỉ bao gồm các hố ga phụ giữ nước và tất cả đổ chung về một bể ngầm lớn sau đó xả trực tiếp ra sông Hàu. Tháng 10 vừa qua, UBND xã Tiến Thủy thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, đã tiếp tục phát hiện Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ trong quá trình sản xuất đã xả nước rửa cá ra đường (thuộc khu vực thôn Đức Xuân) gây ô nhiễm môi trường. Ngày 11/10/2018, UBND xã Tiến Thủy đã làm việc với đại diện công ty, giao trách nhiệm phải khắc phục tình trạng này và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Đường ống dẫn nước thải chạy ngầm qua đường và xả xuống Lạch Quèn của Công ty THHH Thủy sản Lực Sỹ. Ảnh: P.V

Kiểm tra nội dung Giấy phép số 53/GP-STNMT.HBHĐ cho thấy việc Sở TN&MT cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước cho Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ là căn cứ theo Đề án xả thải và Kế hoạch bảo vệ môi trường của công ty này đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tại giấy phép số 53, Sở TN&MT yêu cầu Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ phải “hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình đã được nêu trong Đề án xả thải và Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt mới được xả nước thải vào nguồn nước”.

Cận cảnh đường ống xả thải ra Lạch Quèn của Công ty TNHH Thủy sản Lực Sỹ. Ảnh: P.V

Tuy nhiên đến ngày 24/10, cùng cán bộ môi trường xã Tiến Thủy thực tế cơ sở sản xuất của Công ty TNHH thủy sản Lực Sỹ thì các công trình xử lý nước thải của công ty này không có gì thay đổi. Cơ sở sản xuất của công ty này vẫn thực hiện thu gom nước thải trong quá trình sản xuất, chế biến về bể, sau đó xả thẳng xuống sông Hàu thông qua một đường ống nhựa khá lớn. Bên cạnh đó, qua quan sát, bề mặt đường giao thông trước cơ sở sản xuất bám dày vảy cá. Đây là dấu hiệu cho thấy trong quá trình sản xuất, người lao động của công ty này vẫn đổ nước rửa cá ra đường. Theo cán bộ môi trường xã Tiến Thủy, đến nay Công ty TNHH thủy sản Lực Sỹ vẫn chưa chấp hành các nội dung nêu tại Giấy phép số 53 và yêu cầu của chính quyền xã.

Một người dân dùng vòi đẩy bùn đất xuống cảng Lạch Quèn. Ảnh: P.V

Thực tế cũng cho thấy tại khu vực xung quanh cảng Lạch Quèn từ nhiều năm nay có nhiều cơ sở tư nhân thu mua, chế biến hải sản và nước thải đều được “tống” trực tiếp xuống lạch. Trong khi đó với mật độ trên dưới 1.000 tàu đánh bắt xa bờ của các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, An Hòa (Quỳnh Lưu) ra vào, neo đậu sức ép môi trường đối với Lạch Quèn là rất lớn. Ngay tại cảng cá, vào thời điểm chúng tôi có mặt (24/10) nhiều người dân khác vẫn “vô tư” dùng vòi máy bơm xịt nước để đẩy bùn đất, xác cá xuống lạch.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý Cảng Lạch Quèn cho biết, về công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn đang tồn tại một số bất cập, ngoài chất thải rắn đã được đơn vị chuyên ngành thu gom thì nước thải vẫn phải xả trực tiếp xuống Lạch Quèn - sông Hàu. Đã có dự án thu gom nước thải cho khu vực cảng Lạch Quèn với mức đầu tư 117 tỷ đồng được phê duyệt nhưng chưa thể triển khai do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, sức ép về môi trường của cửa lạch còn đến từ ý thức của người dân, chủ các tàu thuyền và thực tế này sẽ còn tồn tại nhiều năm.

Người dân bình thản

Xem tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng Lạch Vạn

Câu chuyện về ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sẽ dường như là vấn đề có tính chất “muôn thuở”. Và điều nguy hại hơn, thói quen này của người dân còn xuất phát từ việc không cơ quan nào giám sát, quản lý và nhắc nhở hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường.

Cảng cá Lạch Vạn nằm trên địa bàn xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Nơi đây chủ yếu tập trung các tàu đánh bắt vùng lộng. Ảnh: P.V

Một người dân thản nhiên đổ rác xuống Lạch Vạn trước ống kính. Ảnh: P.V

Đến cảng Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến người dân bê từng xô rác sinh hoạt đổ xuống lạch. Họ thực hiện hành vi này theo cách bình thản nhất ngay trước ống kính máy ảnh của phóng viên. Hỏi một chị đang đổ rác xuống lạch, chị cho biết ở đây ai cũng làm vậy nên “chẳng sao hết”.

Mạn tàu ngập rác ở Lạch Vạn. Ảnh: P.V

Lạch Vạn cũng là một trong những cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền lớn ở Nghệ An. Thời điểm chúng tôi có mặt, cảng lạch đang có hàng trăm chiếc tàu neo đậu và xung quanh thân tàu là đủ thứ rác thải trôi bập bềnh. Nhìn xuống đáy nước cũng ken dày vỏ sò, ráp xác và những túi ni lông buộc chặt đủ thứ rác thải sinh hoạt.

Một cơ sở sơ chế hải sản ngay bên bờ lạch, rác thải được tuồn xuống Lạch Vạn. Ảnh: P.V

Hoạt động chế biến hải sản là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, cửa lạch. Ảnh: P.V

Cũng như những cảng cá, cửa lạch khác, tại Lạch Vạn có hàng chục cơ sở thu mua, chế biến hải sản vị trí nằm sát mép nước. Tất cả chất thải của hoạt động này đều được xả xuống lạch. Thực tế này biến Lạch Vạn trở thành điểm đen gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua. Trong khi đề án xử lý chất thải của Lạch Vạn đang được Ban quản lý cảng xin vốn để lập đề án xử lý.

Rác ngập lòng Lạch Vạn. Ảnh: P.V

Những bất cập, tồn tại về ô nhiễm môi trường tại cảng Lạch Quèn, Lạch Vạn cũng là thực trạng chung của các cảng cá trên địa bàn Nghệ An. Để phát triển bền vững kinh tế biển và nâng cao đời sống của người dân, đã đến lúc các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hành vi xả thải, đồng thời có giải pháp bảo vệ môi trường, tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW hướng tới là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển với các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển... Những gì đã và đang diễn ra tại cảng cá Lạch Quèn và Lạch Vạn cũng đặt ra vấn đề lớn cho các cấp chính quyền và cơ quan chức năng….

Tác giả: NPV

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP