Chiếc xe cà tàng 20 năm tuổi đã theo ông đi đến từng nhà người dân ở huyện vùng núi sau mỗi ngày làm việc - Ảnh: MY LĂNG |
"Việc đi khám bệnh đã trở thành thói quen, nhu cầu của tôi. Bà con cứ nghĩ thứ bảy, chủ nhật thế nào ông Phi cũng lên với bà con. Vì vậy, tôi không thể ở nhà vì biết bà con đặt niềm tin vào mình. Khi nào đi công tác hoặc quá mệt không đi hết được thì tôi mới xin phép bà con thông cảm, hôm sau ghé lại. Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh Mấu Văn Phi |
23 năm nay, người bác sĩ ấy dù hiện giờ đã là bí thư huyện ủy nhưng cứ hết giờ làm là chạy chiếc xe cà tàng đến từng nhà khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo...
Đồ nghề mỗi lần đi khám bệnh của bác sĩ Mấu Văn Phi là hai cặp táp to. Một cặp là "tủ thuốc di động" chứa đầy thuốc chữa một số bệnh thường gặp như: đau bụng, đau đầu, dạ dày... và cả thuốc bổ. Cặp còn lại chứa các dụng cụ cơ bản để khám bệnh như ống nghe, máy đo huyết áp, kẹp thân nhiệt, hộp chứa xilanh, kéo, cồn...
Ông bí thư và chiếc xe máy cà tàng...
8h sáng, ông Mấu Văn Phi - bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa - chạy từ nhà mình (thị trấn Khánh Vĩnh) đến nhà vợ chồng ông Cao Thật ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang trên chiếc xe máy cũ cọc cạch. Chiếc xe này ông mua 20 năm trước, khi còn làm phó giám đốc trung tâm y tế huyện, trong đợt hóa giá để giải quyết vấn đề đi lại.
Đó là chiếc xe đầu tiên trong đời ông có được. Để tới được những nơi đèo dốc, đường đất gồ ghề khám bệnh cho bà con miền núi, ông bảo chỉ có con xe này mới chạy nổi. "20 năm rồi mà nó vẫn hoạt động rất tốt. Mình chỉ bỏ tiền làm lại máy thôi. Với lại mình mà đi xe đẹp, bà con thấy xa cách, khó tiếp cận lắm" - ông Mấu Văn Phi cười thiệt hiền, nói.
Chiều hôm trước, ông Cao Thật đã gọi điện nhờ "bác sĩ Phi" đến nhà khám khi thấy người mệt mệt. Vợ chồng ông Cao Thật đã chờ sẵn ở nhà. Cả hai đều là người Raglai. Bác sĩ Phi lần lượt đo huyết áp, khám tổng quát cho vợ chồng ông Cao Thật. Ông Thật năm nay 50 tuổi, bị nang thận. Còn vợ ông, bà Cà Thánh, 51 tuổi, bị xơ gan. Do bà Cà Thánh bị xơ gan nên sau khi đo mạch, huyết áp, ông Mấu Văn Phi còn kiểm tra xem một số phản xạ của thần kinh có bình thường không rồi sẵn khám luôn phổi.
"Cũng nhờ ổng mà tui mới biết bệnh mình để đi bệnh viện sớm đó. Hồi đó tôi sốt miết, đau không muốn ăn, sụt cân. Gọi cho ổng tới khám. Khám xong ổng biểu đi xuống Nha Trang ngay, vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới siêu âm. Nhờ vậy mới biết mình bị xơ gan", bà Cà Thánh cho hay.
Chồng bà cũng nhờ bác sĩ Phi mà phát hiện sớm bệnh. "Cách đây một tháng, ổng khám xong phát hiện tui có những triệu chứng về thận, kêu phải ra Nha Trang siêu âm. Kết quả là bị nang thận" - ông Cao Thật kể.
"Ở đây ai thấy mệt mệt trong người là gọi. Ổng dặn khi có gì thì điện, hết giờ làm ổng tới. Có bữa tui đau đầu gọi, ổng bảo đang bận họp, hứa chiều hết giờ làm việc cơ quan sẽ xuống. Hôm đó gần 7h tối ổng vẫn đến" - bà Cà Thánh nói.
Khám xong, Bí thư Phi lấy ra hai hộp thuốc, một loại làm giảm sự phát triển của nang thận, một loại tăng cường chức năng thận. Ông Phi cẩn thận dặn ông Cao Thật liều lượng uống từng loại. Ông Cao Thật hỏi bao nhiêu tiền, ông Phi cười bảo: "Cái này tôi tặng, không lấy tiền đâu. Có lấy anh cũng không có tiền trả đâu". "Lần này anh cũng cho thuốc nữa..." - ông Cao Thật bối rối nói.
"Cách đây 5 năm, cụ Măng Liên bị viêm cơ cả hai mu bàn chân nhưng nhất quyết không chịu đi bệnh viện. Ông cụ thà chết chứ không chịu đi bệnh viện. Cứ đòi kêu bác sĩ Phi lên" - ông Thật kể. Được bác sĩ Phi chích thuốc suốt một tháng, bệnh đỡ dần, bây giờ cụ Măng Liên đã đi lại được.
Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh Mấu Văn Phi khám bệnh cho ông Cao Thật - một người dân thuộc diện hộ nghèo ở xã Liên Sang - Ảnh: MY LĂNG |
16 năm không dám đổi số điện thoại
Tốt nghiệp ĐH Tây Nguyên năm 1997, bác sĩ Mấu Văn Phi về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh - quê hương mình. Lúc đó, ông Mấu Văn Phi là bác sĩ người Raglai đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh. Sáu tháng sau, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng khoa nội nhi.
Năm 2001, ông hoàn thành khóa học chuyên khoa 1 ở ĐH Y Huế. Gần 3 năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh. "Đến tháng 12-2005, Ban tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa đặt vấn đề chuyển tôi sang công tác lĩnh vực khác, quản lý nhà nước, bổ nhiệm tôi làm phó chủ tịch huyện Khánh Vĩnh" - ông Phi cho hay.
Tháng 10-2019, tháng 9-2020, ông lần lượt là phó bí thư rồi bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh. Ở cương vị mới, trách nhiệm cao hơn, công việc nhiều hơn. Nhưng vẫn như 23 năm nay, buổi chiều sau giờ làm, ông lại chạy xe đến từng nhà khám bệnh cho bà con. "Một phần tôi cũng muốn giảm bớt stress sau cả ngày giải quyết công việc cơ quan. Hơn nữa, tôi cũng là người Raglai nên hiểu được bà con nhanh hơn. Bà con nghèo, bệnh đơn giản mà đi ra tận Nha Trang khám thì không có điều kiện" - Bí thư Phi giải thích.
Huyện Khánh Vĩnh có 14 xã. Người dân ở xã nào cũng có số điện thoại của "bác sĩ Phi". "Số thuê bao này tôi dùng từ năm 2004 - bí thư huyện Khánh Vĩnh cho hay - Tôi không dám đổi số điện thoại. Thay số mới, bà con không biết, không gọi được". Khánh Vĩnh là huyện miền núi nên đường vào các xã toàn đường đất, đường rẫy gồ ghề. Xã xa nhất cách nhà 23km. Vất vả nhất là mùa mưa, nhưng mưa gió cỡ nào ông Phi cũng đội áo mưa đi.
Tiền xăng xe, tiền mua thuốc ông trích từ khoản chi tiêu gia đình, mua những loại thuốc thông thường: cảm, sốt, ho, giảm đau... Với những bệnh phức tạp, thuốc đắt tiền mấy trăm ngàn đồng một hộp mà người bệnh nghèo quá, ông cũng sẵn lòng mua cho luôn.
"Lúc đầu vợ mình cằn nhằn sao cứ làm cái việc không có tiền đem về nhà. Mình cứ thuyết phục bà con khổ quá, mình phải làm cái gì đó giúp bà con đỡ khổ hơn. Đây là việc tốt mà, ăn bao nhiêu cũng hết. Dần dần vợ cũng hiểu rồi ủng hộ và rất hài lòng về việc mình làm" - Bí thư Mấu Văn Phi nở nụ cười hiền lành nói.
Tác giả: MY LĂNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ