Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters). |
"Tôi nghĩ tôi không phải xin lỗi, nhưng tôi vẫn xin lỗi vì thực tế là Mỹ, chính quyền tiền nhiệm, đã rút khỏi hiệp định Paris. Điều này đặt chúng tôi vào thế bất lợi. Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow, Anh ngày 1/11.
Mỹ tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, vài tháng sau khi nhậm chức, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định "vì gánh nặng kinh tế không công bằng". Ông Trump cho rằng, hiệp định này bất lợi cho người Mỹ và "giết chết nền kinh tế Mỹ". Quá trình rút khỏi hiệp định Paris chính thức hoàn tất vào tháng 11 năm ngoái.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao. Theo hiệp định này, các nước tham gia không bắt buộc phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu cụ thể nào. Thay vào đó, họ tự nguyện cam kết giảm lượng khí thải, đặt ra mục tiêu của nước mình và thực hiện các chính sách riêng.
Vài giờ sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, ông Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định. Tại hội nghị ở Glasgow, ông Biden nói, cách đây 4-5 năm, người dân Mỹ không chắc chắn về những hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng hiện giờ họ đã thấy. Phát biểu trước đó, ông Biden kêu gọi các lãnh đạo toàn cầu hành động mạnh mẽ, quyết đoán để ngăn biến đổi khí hậu. Ông thừa nhận rằng, biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Ông Biden tuyên bố, Mỹ sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Ông tin rằng, nước Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50% đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005. Ông nhấn mạnh, Mỹ muốn giúp các quốc gia đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, cung cấp các giải pháp cải tiến trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dầu mỏ, khí đốt, chống nạn phá rừng.
"Chúng ta chỉ còn khe cửa hẹp để hành động. Đây là thập niên mang tính quyết định", Tổng thống Biden nói.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí