Pháp luật

Ông Đinh La Thăng hai lần phản bác toàn bộ cáo trạng

Trong 30 phút trả lời thẩm vấn cuối buổi chiều 9-3, ông Đinh La Thăng hai lần phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng và khẳng định không chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ.

Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: TTXVN

Sau gần một ngày bị cách ly, chiều tối 9-3, ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được đưa trở lại phiên tòa trả lời thẩm vấn của viện kiểm sát và luật sư.

Trước khi trả lời xét hỏi, ông Đinh La Thăng đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) cho bị cáo tham gia quá trình tố tụng để nắm được nội dung, khi HĐXX hỏi sẽ trả lời đúng vào trọng tâm. Chủ tọa giải thích việc cách ly các bị cáo để đảm bảo tính khách quan trong lời khai. Bị cáo chỉ bị cách ly trong quá trình xét hỏi, còn phần tranh tụng sẽ được tham gia như bình thường.

"Vì sao bị cáo chỉ đạo trong năm 2009 PVC tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ tập đoàn giao, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ?", VKS đặt vấn đề.

Ông Thăng cho rằng nội dung trên được đưa ra trong cuộc họp nội bộ của PVN về kế hoạch sản xuất kinh doanh PVC năm 2009, không liên quan gì đến chỉ định thầu hay các việc khác liên quan Ethanol Phú Thọ.

"Bởi vì trong kế hoạch hằng năm đơn vị có cả công việc có sẵn cũng như công việc sẽ đấu thầu, hoặc chỉ định thầu nên tôi có kết luận như vậy", ông Thăng trả lời.

"Chủ trương chung của PVN ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành dầu khí, khi thực hiện trên thực tế có phải tuân thủ quy định pháp luật?", đại diện VKS tiếp tục hỏi.

"Trước hết là phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng đồng thời trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là việc phát huy nội lực thực hiện kết luận 41 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ là do sản lượng dầu khí Việt Nam có hạn nên phải đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu dịch vụ dầu khí từ 10-15% lên 20-25% năm 2015.

Do vậy để thực hiện chủ trương đó, Chính phủ cho phép PVN được chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án mang tính chất đặc thù ngành dầu khí, trong đó vốn đầu tư tập đoàn chiếm trên 50% và dự án các đơn vị thành viên chiếm trên 50% thì sẽ được chỉ định thầu", ông Thăng lý giải.

Ông Thăng nói thêm ngoài ra các đơn vị có vốn góp của tập đoàn hoặc đơn vị thành viên mà không có vốn chi phối thì tập đoàn sẽ có văn bản giới thiệu đơn vị của PVN tham gia dự án đó.

"Đây là một chủ trương, đương nhiên phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng trong nền kinh tế thị trường điều kiện đặc biệt thời kỳ đó thì thực hiện cả văn bản chỉ đạo cá biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tôi triển khai đúng chủ trương, không phải bằng chỉ đạo cá biệt của tôi, mà bằng nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy tập đoàn và nghị quyết của HĐQT để triển khai", ông Thăng khai.

Trước lời khai trên, đại diện VKS viện dẫn nội dung văn bản của Chính phủ nói rằng đồng ý về nguyên tắc cho tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước, nhưng nhấn mạnh yêu cầu tập đoàn thực hiện đúng quy định pháp luật về chỉ định thầu.

Ông Thăng thừa nhận nội dung VKS đưa ra và nói thêm trong các văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Đảng ủy và HĐQT đều yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

"Bộ Chính trị có định hướng cho chiến lược phát triển dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp. Thực tế PVN đã thực hiện đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, nhờ đó doanh thu dịch vụ ngành dầu khí tăng lên 30-35% và tất cả dịch vụ dầu khí trước đây phải thuê nước ngoài thì tập đoàn đã làm được hết và còn làm thuê cho nước ngoài. Đây là cái thành công, kết luận 41 của Bộ Chính trị năm 2013 đã đánh giá PVN là điểm sáng, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước", ông Thăng biện luận.

Trả lời thẩm vấn luật sư Hoàng Văn Hướng liên quan nội dung cáo trạng kết luận ông chỉ định thầu cho PVC của Trịnh Xuân Thanh, ông Thăng nêu quan điểm phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng vì "không phù hợp thực tiễn vụ án, không phù hợp chứng cứ khách quan của vụ án có trong hồ sơ".

"Chủ trương của tập đoàn triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng dịch vụ sản xuất nhiên liệu thay thế, chứ mục tiêu không phải để chỉ định thầu. Chỉ định thầu chỉ là giải pháp trong tổng thể giải pháp để thực hiện mục tiêu đó.

Trong quy chế hoạt động, ban chỉ đạo đôn đốc về mặt tiến độ thực hiện chứ không làm thay chủ đầu tư, HĐQT không có nghị quyết nào, chỉ đạo nào với chủ đầu tư và PVC. Tôi chỉ chỉ đạo với tư cách trưởng ban chỉ đạo, chỉ có nhiệm vụ đôn đốc về mặt tiến độ sớm hoàn thành", ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, PVN chỉ chỉ đạo được đối với dự án thông qua người đại diện vốn của PVN tại các đơn vị thành viên và PVB chỉ có 39% vốn của các đơn vị thành viên, do đó không có quyền quyết định đối với dự án mà quyền là của các cổ đông PVB.

"Ban chỉ đạo không làm thay chủ đầu tư, đây là nguyên tắc xuyên suốt", ông Thăng kết thúc phần trả lời thẩm vấn và nhắc lại quan điểm phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng.

Tác giả: THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP