Trưa ngày 9/5, trong phần Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra thất thoát 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng (NH) Đại Tín (TrustBank, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB), ông Hoàng Văn Toàn, cựu chủ tịch HĐQT NH Đại Tín nói rằng: mọi việc do bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo và toàn bộ nội dung liên quan đến bị cáo trong cáo trạng, kết luận điều tra đều đúng cả. Nhưng nguyên nhân, tình huống dẫn đến hành vi vi phạm của bị cáo thì mong HĐXX xem xét thêm.
HĐXX hỏi bị cáo Toàn liên quan thế nào tới hành vi bị cáo Hứa Thị Phấn nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho NH Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng?
Bị cáo Toàn khai, được bạn bè giới thiệu gặp bà Phấn từ 2008. Trong lần gặp gỡ, bà Phấn mời ông Toàn đi ăn; qua cách nói chuyện, ông Toàn biết bà Phấn là chủ thực sự của NH Đại Tín. Trong mùa ĐHCĐ năm 2009, bà Phấn nói muốn mời ông Toàn giữ chức chủ tịch NH Đại Tín nên yêu cầu ông Toàn tham dự. Nhưng vì không có tiền mua cổ phần thì không thể tham dự, nên bà Phấn đã đưa cổ phần của mình cho ông Toàn đứng tên. Và tại ĐHCĐ, ông Toàn được bầu làm chủ tịch NH Đại Tín.
“Bị cáo là chủ tịch, là người đại diện trước pháp luật, nhưng trên thực tế là chỉ làm thuê cho bà Phấn, mọi việc làm đều do bà Phấn chỉ đạo. Do tình thế bắt buộc bị cáo cố gắng xây dựng cơ chế và giữ cho NH vững. Bà Phấn nói đây là NH của bà còn các việc khác đừng xía sâu vô" - Bị cáo Hoàng Văn Toàn khai.
Ông Hoàng Văn Toàn đang trả lời HĐXX |
Cũng theo ông Toàn, từ ông đến các thành viên HĐQT: Trần Sơn Nam, cựu tổng giám đốc NH Đại Tín; Ngô Kim Huệ, phó tổng giám đốc - cháu bà Phấn; Hứa Xường, thành viên HĐQT - em trai bà Phấn; Lâm Hứa Huỳnh Trinh, Đỗ Hoàng Vinh (có bà con xa nhà bà Phấn)… đến các nhân viên NH khác cũng đều làm theo chỉ đạo của bà Phấn.
"Bà Phấn cũng nói với bị cáo: dù không giữ chức vụ gì trong NH nhưng đã trải qua khoảng 5 NH. Và bà cũng giữ vị trí “chóp bu” lãnh đạo trong 5 NH đó là NH Việt Hoa, NH Sài Gòn và NH Đại Tín… Và bà thừa nhận có thể điều khiển được 5 NH đó” - ông Toàn khai.
“Tôi nghĩ bà ấy là chủ ngân hàng thì không lý lại đi ăn của ngân hàng hoặc làm hại ngân hàng trong chủ trương này. Bị cáo nghĩ đơn giản vậy nên bị cáo ký vào biên bản họp và nghị quyết mua tài sản đó” - bị cáo Toàn nêu tại tòa.
Tại tòa ông Toàn còn khai: Trong quá trình làm việc, nhiều lần bị cáo cũng thắc mắc tại sao bà Phấn không giữ một chức danh nào mà toàn bộ hoạt động NH lại theo ý bà. Sau này bị cáo biết bà Phấn muốn biến NH Đại Tín theo dạng NH trong NH. Cụ thể là hai chi nhánh Lam Giang và Sài Gòn cũng được coi là NH nhỏ của NH lớn Đại Tín. Vì nắm giữ 84% nên bà Phấn điều hành toàn bộ. Việc mua bán đầu tư bất động sản, chẳng hạn như mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đều do bà Phấn chỉ đạo. Bà Phấn nói bà bán lại cho NH với giá mà mình đã từng mua, không lời một đồng nào.
Tại phiên toà, HĐXX hỏi: Khi làm việc, ông có ý thức được việc mình làm là làm theo lời của bà chủ, hay là làm theo cương vị của một người là chủ tịch HĐQT? Ông Toàn thừa nhận chỉ là người làm thuê, chủ bảo sao thì làm vậy chứ không tư lợi gì.
Tại toà, HĐXX còn hỏi nhiều vấn đề khác nhưng ông Toàn trả lời: "không nhớ do thời gian quá lâu".
Tuy nhiên, dư luận đặt vấn đề: có hay không việc những người này câu kết với nhau? Tại sao những hành vi, thủ đoạn rút ruột NH Đại Tín có thể thực hiện trót lọt? Nếu không có quyền lợi thì tại sao ông Toàn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín vẫn thực hiện hàng loạt sai phạm?
Vì chính ông Toàn khai ông đã từng trải qua chức vụ Tổng giám đốc nhiều ngân hàng trước khi làm Chủ tịch NH Đại Tín. Ông Toàn cũng từng là giảng viên trường ĐH Ngân hàng.
Vậy, với một người có trình độ hiểu biết, kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế như ông Toàn, tại sao lại dễ dàng chấp nhận nghe theo lời bà Phấn như vậy?
Tác giả: Minh Quang
Nguồn tin: Báo Công Luận