Agribank - một trong những "ông lớn” ngân hàng đồng loạt xin tăng vốn điều lệ. ảnh minh hoạ |
Đó là kiến nghị được NHNN đưa ra tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng về phê duyệt đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra.
Theo NHNN, quy mô hệ thống TCTD tăng, tổng tài sản hệ thống TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018. Số vốn cho vay thị trường đạt 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2018, huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước gặp khó khăn. Tổng vốn đầu tư bổ sung cho các ngân hàng này khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel 2 trong khi nguồn lực nhà nước có thể sử dụng được để tăng vốn cho các ngân hàng cũng hạn chế. Việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc khó khăn, phức tạp chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của bộ ngành và phụ thuộc đàm phán với nhà đầu tư.
Trước những vướng mắc này, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phối hợp với Bộ KH&ĐT tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước (trừ các ngân hàng thương mại mua bắt buộc). Tiếp tục các giải pháp xử lý nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của DNNN, nợ xấu cho vay theo chương trình dự án chỉ định của Chính phủ.
Ông Phạm Quang Dũng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), về nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thương mại nhà nước. Để đáp ứng chuẩn mực Basel 2, các NHTM nhà nước như VCB đang thiếu nguồn vốn lớn. Vì vậy, VCB kiến nghị tạo điều kiện cho NHTM nhà nước tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận sau thuế, thặng dư vốn cổ phần và được phát hành thêm. Có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài, tăng giới hạn của nhà đầu tư nước ngoài.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), mặc dù chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2 nhưng hiện tại gần hoàn thành quy định tối đa. Nếu không được bổ sung cấp bách, những tháng đầu năm 2020, Agribank không thể tiếp tục đầu tư tín dụng cho nền kinh tế do vướng vào tỷ lệ an toàn theo Basel 2.
“Chúng tôi đề nghị liên Bộ Tài chính – KH&ĐT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể để thực hiện Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế. Liên bộ xem xét, bổ sung trường hợp sang tên, đăng lý quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản liên quan đến xử lý nợ xấu của TCTD vào trường hợp tạm thời chưa thu thuế”, NHNN kiến nghị.
Tác giả: Quỳnh Nga
Nguồn tin: Báo Tiền phong