Tin đồn thành sự thật
Ông Trần Bắc Hà (SN 1956) bắt đầu làm việc tại BIDV chi nhánh Bình Định vào năm 1981 – khi đó mới 25 tuổi. Ông gắn bó với nhà băng này đến ngày 1/9/2016 – khi nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ ở tuổi 60.
35 năm – ông Trần Bắc Hà đã trải qua hàng loạt chức vụ tại BIDV, từ nhân viên chi nhánh, lên Phó Giám đốc, Giám đốc chi nhánh BIDV Bình Định, sau đó lên Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc và ngồi ghế Chủ tịch HĐQT trong vòng 8 năm 8 tháng trước khi về nghỉ hưu.
Ông cũng là người có thời gian lèo lái con thuyền BIDV ở vào giai đoạn biến động nhất của ngành ngân hàng, từng nhiều lần gắn với tin đồn bị bắt.
Tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã thành sự thật |
Còn nhớ, giai đoạn đầu năm 2013, cả thị trường tài chính tiền tệ và chứng khoán Việt Nam đã chao đảo trước tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn này đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính lúc đó, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch. Tỉ giá VND/ USD trên thị trường tiền tệ trong nước hôm đó cũng đã có diễn biến bất thường. Còn theo nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, "quả bom tin bẩn" này đã khiến người dân mất khoảng 500-700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II - Bộ Công an đã làm rõ hành vi vi phạm của 3 đối tượng làm trong ngành ngân hàng đã tung tin đồn. Mỗi đối tượng bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng vì tung tin đồn thất thiệt.
Sau khi ông nghỉ hưu, khoảng tháng 8/2017, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Mặc dù không còn giữ chức vụ nào trong ngành tài chính ngân hàng, nhưng tầm ảnh hưởng của tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà đến thị trường vẫn khá lớn.
Chịu ảnh hưởng đầu tiên là cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV bất ngờ chìm trong sắc đỏ và lao dốc xuống mức gần kịch sàn còn 20.400 đồng/cổ phiếu. Tiếp đó, hàng loạt cổ phiếu của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn cũng giảm theo như cổ phiếu VCB (của ngân hàng Vietcombank), CTG (Vietinbank), ACB (Ngân hàng Á Châu), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco)...
Gần như ngay sau đó, vị cựu Chủ tịch BIDV trả lời báo chí một câu ngắn gọn: “Tôi vẫn bình thường”, đồng thời, một đại diện Tổng cục Cảnh sát bác tin đồn nói trên. Khoảng một giờ sau, cổ phiếu BID rút ngắn biên độ giảm, sau đó tăng dần nhờ dòng tiền ra mua lại.
Ngay ngày hôm qua (28/11), một lần nữa, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt lại xuất hiện. Lần này, nhiều người hoài nghi, tuy nhiên không còn ảnh hưởng đến thị trường cũng như cổ phiếu BID. Cổ phiếu này giữ vững sắc xanh suốt phiên giao dịch ngày 29/11.
Đến cuối giờ chiều ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) bất ngờ công bố thông tin đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 04 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại ngân hàng BIDV, trong đó có ông Trần Bắc Hà.
Trước đó, ông Hà đã bị khởi tố, có lệnh khám xét từ ngày 22/11 - cùng ngày C03 quyết định khởi tố vụ án hình sự kể trên.
Cổ phiếu BID giảm từ 31.900 đồng/CP còn 31.250 đồng/CP.
14.000 tỷ nợ xấu và những con nợ tỷ đô
Trong thời gian gần 9 năm ông Hà giữ ghế Chủ tịch, ngân hàng đã giữ vững vị thế là một trong “tứ trụ” ngân hàng Việt, bên cạnh Vietcombank, Vietinbank và Agribank.
Tổng tài sản của BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà đã tăng lên gần bốn lần, từ mốc 200.000 tỷ đầu năm 2008 lên 930.000 tỷ vào tháng 6/2016.
Lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng năm 2008 lên 7.948 tỷ đồng năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng, lãi sau thuế ngân hàng đạt 2.674 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này cũng tăng liên tục trong gần 9 năm ông Hà làm Chủ tịch, từ 7.700 tỷ đồng vào đầu năm 2008 lên 34.187 tỷ đồng vào cuối năm 2015, nhờ sự kiện sáp nhập “thần tốc” ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). BIDV khi đó trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn hệ thống.
Kết quả kinh doanh của ngân hàng BIDV trong gần 9 năm ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT |
Tuy vậy, tính đến thời điểm 1/9/2016, khi ông Trần Bắc Hà rời nhiệm sở, BIDV đang ôm khoản nợ xấu hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm hơn 2% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, đáng chú ý là những doanh nghiệp có khoản nợ nghìn tỷ chưa hẹn ngày thu hồi.
Đặc biệt là khoản tiền 4.700 tỷ đồng mà BIDV cho nhóm 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vay được nhắc đến trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng VNCB. Toàn bộ số tiền vay, Phạm Công Danh dùng cho mục đích cá nhân là tăng vốn điều lệ của CB Bank và chi tiêu cho Tập đoàn Thiên Thanh (công ty Phạm Công Danh là Chủ tịch trước đó).
Tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động ngân hàng BIDV.
Trong đó, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng.
"Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị.
Theo đó, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Tác giả: Hoa Liên
Nguồn tin: Báo Người đưa tin