Gọi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 này là "mục rữa" và "thối nát", ông chủ Nhà Trắng hôm 8-5 khẳng định thỏa thuận là sự hổ thẹn đối với ông trong tư cách một công dân.
Đi ngược lại tất cả sự can ngăn từ các đồng minh châu Âu, ông Trump tuyên bố ông sẽ áp đặt lại các trừng phạt đã được miễn trừ cho Iran khi thỏa thuận được ký kết năm 2015.
Ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran |
Đáp lại, phía Iran nói rằng nước này sẽ chuẩn bị tái khởi động làm giàu uranium – "chìa khóa" cho cả năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Mỹ đã thông báo rằng họ không tôn trọng những cam kết của họ. Tôi đã ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran sẵn sàng hành động nếu cần thiết, để cho khi cần, chúng tôi có thể tái làm giàu (uranium) ở mức độ công nghiệp mà không có bất cứ giới hạn nào".
Cũng theo lời vị lãnh đạo này, ông sẽ đợi vài tuần để nói chuyện với các đồng minh và các bên ký kết vào thỏa thuận hạt nhân. "Nếu chúng tôi đạt được các mục đích về hợp tác với các thành viên khác của thỏa thuận, nó sẽ vẫn được giữ lại"- ông Rouhani cho hay.
Còn được gọi với cái tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - ký kết giữa Iran và nhóm các nước P5+1 (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức), thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm các biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại sự dỡ bỏ trừng phạt nước này của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ông Trump trước đây từng chỉ trích rằng thỏa thuận chỉ hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran trong giai đoạn cố định, không ngăn được nước này phát triển tên lửa đạn đạo và mang lại cho Iran một khoản tiền lên tới 100 tỉ USD để sử dụng cho các hoạt động liên quan tới vũ khí, khủng bố và bạo lực khắp Trung Đông.
Cựu Tổng thống Barack Obama – người đã đại diện cho nước Mỹ ký vào thỏa thuận cách đây 3 năm, gọi phát ngôn của ông Trump là "hiểu nhầm".
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 8-5 hối thúc Iran vẫn tiếp tục đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận dù cho Mỹ rút lui.
Khi nào lệnh trừng phạt tái khởi động? Bộ Tài chính Mỹ cho hay các trừng phạt kinh tế sẽ không tái áp đặt ngay lập tức đối với Iran mà sẽ cần một giai đoạn giãn cách 90 ngày và 180 ngày. Trong tuyên bố trên trang web của mình, Bộ Tài chính cho hay lệnh trừng phạt sẽ tái áp đặt lên các ngành công nghiệp của Iran đã được đề cập trong thỏa thuân năm 2015, trong đó có ngành dầu mỏ, xuất khẩu máy bay, thương mại kim loại quý và những nỗ lực của chính phủ Iran nhằm mua tiền Mỹ. |
Tác giả: Đỗ Quyên
Nguồn tin: Báo Người Lao Động