Pháp luật

Phán quyết của TAND Tối cao vụ án Hồ Duy Hải: Liệu có còn oan sai?

Luật sư cho rằng, Hội đồng thẩm phán bác đơn kháng nghị của VKSND Tối cao chưa thật sự thuyết phục, tạo tiền lệ xấu trong tố tụng vì có những sai sót. Liệu đó có phải một quyết định đúng đắn hay không? Liệu có còn oan sai hay không?

Sau 3 ngày làm việc, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã công bố kết quả giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, dù cho rằng, dù cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ tuy nhiên không ảnh hưởng bản chất vụ án nên quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện VKSND Tối cao và giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải.

Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư và dư luận khi cho rằng không thuyết phục.

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện VKSND Tối cao và giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, trong tất cả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, cần phải tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đẩy đủ. Bởi đã là tố tụng hình sự thì sẽ quyết định đến việc ai phạm tội, phạm tội gì, hình phạt ra sao. Ảnh hưởng đến các quyền của người bị buộc tội.

Bác đơn kháng nghị, bản án phúc thẩm có hiệu lực?

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bác đơn kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải và giữ nguyên án tử hình. Và trong thời điểm hiện tại án tử hình đối với Hồ Duy Hải là bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án có hiệu lực pháp luật hay án có hiệu lực pháp luật là cách nói trong thực tiễn áp dụng pháp luật về vụ án hình sự đã được tòa án xét xử và quyết định bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

Trong tố tụng hình sự, có hai trường hợp bản án được coi là có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp thứ nhất, theo Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp thứ 2, theo khoản 2 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Do đó, đối với bản án của Hồ Duy Hải, từ thời điểm tòa án cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm với tội danh Giết người, Cướp tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình theo quy định của pháp luật đây là bản án có hiệu lực. Còn trường hợp để xem xét các thủ tục khác được tính trong thời gian tạm hoãn thi hành án.

Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm.

Ba hi vọng để Hồ Duy Hải có thể thoát án tử hình?

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, dù Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện VKSND tối cao và giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải nhưng vẫn còn 3 hi vọng cho Hải thoát án tử.

Thứ nhất, căn cứ vào Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Cụ thể, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Thứ hai, phát hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất, sự thật của vụ án thì sẽ tiến hành thủ tục tái thẩm đối với bản án phúc thẩm và sơ thẩm. Điều 398 BLTTHS quy định các căn cứ tái thẩm như sau:

Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Trường hợp này có thể xảy ra khi có người đứng ra đầu thú, khai nhận người này là hung thủ thật sự phạm tội, cung cấp các chứng cứ khách quan để xác định sự thật của vụ án. Hoặc có người thu thập, cung cấp được chứng cứ mới làm thay đổi sự thật vụ án thì vụ án sẽ được giải quyết theo trình tự tái thẩm. Lúc này thẩm quyền đề nghị tái thẩm thuộc Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Và theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì các thủ tục của tái thẩm thực hiện theo như thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ ba, Hồ Duy Hải vẫn có quyền làm đơn xin ân xá giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Trường hợp xem xét có thể sẽ được ân xá giảm từ án tử hình xuống tù chung thân.

Luật sư Hoàng Tùng.

Phán quyết của TAND Tối cao vụ án Hồ Duy Hải: Có thuyết phục?

Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bác đơn kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao chưa thật sự thuyết phục và đặt ra nhiều nghi ngờ cho người dân.

Luật sư Tùng phân tích, việc bị cáo Hải kêu oan và đã khai là bị ép cung, bức cung, nhục hình, mớm cung nhưng trong kết luận thì đã bác bỏ điều này.

“Vấn đề đặt ra rằng liệu kết luận đó có đúng hay không? Có thật sự là khách quan không? Khi mà thực tế bị cáo không có điều kiện chứng minh. Bị cáo bị giam trong 4 bức tường, liệu các biên bản lời khai hoặc tất cả các buổi hỏi cung đều thật sự được ghi âm ghi hình. Hay những đoạn ghi âm ghi hình đó có thật sự ghi lại toàn bộ các buổi hỏi cung, toàn bộ quá trình hỏi cung hay không bởi bị cáo không thể kiểm soát được điều này” – luật sư Tùng nói.

Đồng thời cho rằng, việc yêu cầu bị cáo chứng minh bị bức cung, nhục hình là điều khó khăn cho chính bị cáo bởi đế thời điểm ra tòa xét xử thì dấu vết khách quan cơ bản đã biến mất. Vậy bị cáo lấy gì chứng minh? Điều này chẳng khác gì đề ra cho có và gần như khong đi vào thực tiễn.

Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được áp dụng triệt để. Các sai phạm của cơ quan tố tụng trước đó được kết luận là không ảnh hưởng đến sự thật của vụ án là không thuyết phục.

“Trách nhiệm chứng minh bị cáo có tội thuộc về cơ quan tố tụng, và việc này phải được làm một cách chuẩn chỉ, đầy đủ, khách quan. Bởi vì đó là tôn trọng sự thật, tránh oan sai và thể hiện năng lực, nhiệm vụ của mình. Quyết định của các cơ quan này ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm và tính mạng của bị cáo. Vì thế nói đúng ra là không thể có sai sót. Vậy cứ sai sót thì sai sót nào là lớn, thế nào là nhỏ và ai dám đảm bảo rằng sai sót đó không làm sai sự thật” – luật sư Tùng nêu ý kiến.

Thứ ba, quyết định bác kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm, sơ thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là chưa thật sự hợp tình, hợp lý.

Bởi, quyết định này đã gián tiếp thừa nhận, chấp nhận những sai phạm, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự của các cơ quan tố tụng.

Từ điều 7 đến điều 33 (tại chương II) của BLTTHS năm 2015 đã ghi nhận 26 nguyên tắc trong tố tụng hình sự mà các cơ quan tố tụng phải đảm bảo thực hiện. Những nguyên tắc cơ bản và vô cùng quan trọng như nguyên tắc suy đoán vô tội, xác định sự thật vụ án, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm...bảo đám pháp chế xã hội chủ nghĩa phải được thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, không thể có sai sót.

Không chỉ vậy, tại BLTTHS năm 2003 cũng đã ghi nhận các nguyên tắc này. Vì thế, tại thời điểm diễn ra hai cấp xét xử, khi áp dụng luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc này.

“Việc các chứng cứ chưa thỏa đáng, sai xót trong quá trình tố tụng của các cơ quan đã vi phạm các nguyên tắc của tố tụng hình sự, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc suy đóa vô tội. Quyết định trên thừa nhận có sai phạm nhưng lại cho rằng sai phạm đó không ảnh hưởng đến sự thật vụ án chẳng khác gì tạo ra tư duy mới cho các cơ quan tố tụng về việc có thể vi phạm các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đây là tiền lệ xấu trong tố tụng nói chung và tố tụng hình nói riêng” – luật sư Tùng nói và cho biết, ông vô cùng trăn trở về quyết định trên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Liệu đó có phải một quyết định đúng đắn hay không? Liệu có còn oan sai hay không?

Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP