Trên hầu hết tất cả các loại xe ô tô con hiện nay đều sử dụng hệ thống phanh thủy lực hay còn gọi là phanh dầu. Hệ thống phanh thủy lực cũng là nền tảng cho sự phát triển các hệ thống an toàn chủ động khác về sau của ô tô như phanh ABS, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD, hệ thống điều khiển lực bám TCS, hệ thống cân bằng điện tử ESP, hay hệ thống leo dốc HAC, đổ đèo HDC…
Trong quá trình sử dụng hệ thống phanh thường xuyên gặp phải rất nhiều lỗi gây mất an toàn cho người sử dụng. Do đó, để đảm bảo an toàn, tài xế nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tự mình có thể kiểm tra hệ thống phanh để 'bắt bệnh' kịp thời.
Biết cách kiểm tra phanh trước khi hư hỏng để tránh rủi ro. Ảnh minh họa |
Bật chìa khóa điện thấy đèn báo hệ thống bó cứng phanh sáng
Khi bật chìa khóa điện, đèn báo hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) sẽ bật sáng. Điều này báo hiệu hệ thống điện tử đang được kiểm tra. Nếu đèn sáng một vài giây rồi tắt tức là hệ thống phanh đã được kiểm tra và sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu đèn ABS chỉ nhấp nháy hoặc sáng liên tục thì nên đưa đi bảo dưỡng.
Đạp thử chân phanh trước khi nổ máy
Trước khi nổ máy xe, hãy thử đạp vào chân phanh khoảng 3 – 5 lần. Nếu chân phanh cứng lại hoặc đứng yên thì hệ thống trợ lực phanh còn hoạt động tốt. Khi xe nổ máy, chân phanh sẽ phải từ từ hạ xuống vị trí ban đầu chứ không được đứng yên tại vị trí đó.
Còn ngược lại, nếu không nổ máy mà đạp chân phanh thấy hẫng và muốn nhấn bao nhiêu lần cũng được thì có nghĩa hệ thống trợ lực chân không đã mất tác dụng. Lúc này, để đảm bảo an toàn, nên gọi thợ đến kiểm tra tại chỗ hoặc xe cứu hộ. Không nên di chuyển xe trên đường, sẽ rất nguy hiểm.
Thường xuyên nghe tiếng phanh
Nghe tiếng phanh cũng là một cách kiểm tra hệ thống phanh khá thuận tiện và dễ dàng cho người ít kinh nghiệm. Nếu phanh xe có vấn đề sẽ nghe thấy những tiếng động như: tiếng kêu ken két, tiếng kim loại ma sát va vào nhau, … Những tiếng kêu này chứng tỏ bố thắng đã bị mòn, các tiếng ồn sẽ càng lớn hơn khi bạn sử dụng phanh càng nhiều. Hãy chủ động đến bảo dưỡng và kiểm tra hệ thống phanh của xe ô tô ngay tại các trung tâm hoặc cơ sở sửa chữa chuyên dụng.
Kiểm tra má phanh liên tục
Má phanh là một trong những bộ phận quan trọng trong việc giảm tốc độ của xe, đảm bảo sự an toàn khi lái xe. Nếu má phanh bị mòn sâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm tốc độ hoặc dừng xe. Độ mòn của má phanh sẽ tùy thuộc vào việc điều khiển xe của mỗi người. Khi vận hành, má phanh mòn quá nhiều sẽ làm giảm áp suất phanh, giảm hiệu năng phanh và làm nóng đĩa phanh. Khi đó sẽ khiến đĩa phanh nhanh chóng bị mòn theo.
Rà láng đĩa phanh
Khi sử dụng di chuyển xe một thời gian dài, dưới sự tác động của má phanh cũng như bụi bẩn đất đá từ bên ngoài. Khi phanh xe, môi trường làm việc của đĩa phanh và má phanh rất khó khăn bởi bề mặt bám nhiều tạp chất cùng nhiệt sinh ra lớn. Điều này khiến cho đĩa phanh trên xe bị hao mòn không đồng đều, thậm chí có thể bị cong vênh đĩa phanh. Cần phải kiểm tra thường xuyên để bảo dưỡng kịp thời.
Kiểm tra dầu phanh tránh để thiếu
Thông thường từ nửa tháng đến 1 tháng 1 lần để biết tình trạng của hệ thống phanh. Nếu mức dầu xuống thấp hơn so với quy định thì phải bổ sung thêm dầu phanh. Không được để hệ thống phanh thiếu dầu. Còn trong trường hợp mức dầu hao thường xuyên thì có thể bị rò rỉ dầu hoặc ở các đường ống dẫn dầu của hệ thống phanh. Lúc này có thể đem xe đi kiểm tra hoặc đưa đến các gara để “bắt bệnh”.
Tác giả: An Dương(T/h)
Nguồn tin: vietq.vn