Không muốn xa lánh xã hội và bị xã hội xa lánh, hãy ngủ đủ giấc |
Những phát hiện mới được công bố trên tạp chí Nature Communications là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa mất ngủ và bị cô lập về mặt xã hội cũng như làm sáng tỏ “dịch bệnh” cô đơn trên toàn cầu.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Matthew Walker là một thành viên của đội ngũ các nhà khoa học chuyên tiến hành thực nghiệm và nghiên cứu về một loại “dịch bệnh” khác của con người: thiếu ngủ.
Ông nói: “Con người chúng ta là một loài xã hội. Tuy nhiên, thiếu ngủ có thể biến chúng ta thành loài xa lánh xã hội”.
Nghiên cứu của nhóm khoa học gia tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) chỉ ra rằng người thiếu ngủ cảm thấy cô đơn hơn, ít có khuynh hướng tương tác với người khác, tránh tiếp xúc gần gũi với các biểu hiện tương tự như những người rối loạn lo âu xã hội.
Tệ hơn nữa, người bị mất ngủ ít có sức hấp dẫn xã hội. Người khỏe mạnh cảm thấy cô đơn hơn chỉ sau một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một người bị mất ngủ. Nói cách khác, người mất ngủ còn có khả năng gây ra kích hoạt lây lan sự xa lánh xã hội cho người tiếp xúc với mình.
ABCNews dẫn lời tiến sĩ Matthew Walker: “Càng ít ngủ, bạn càng ít muốn tương tác xã hội. Đáp lại, những người khác cảm thấy bạn là người chán ghét xã hội, từ đó, tác động cô lập xã hội nghiêm trọng do mất ngủ tiếp tục gia tăng. Vòng luẩn quẩn ấy có thể là một yếu tố góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng - sự cô đơn”.
Trong các nghiên cứu trước đây, cô đơn tăng nguy cơ tử vong hơn 45% - gấp đôi nguy cơ tử vong do béo phì.
Tiến sĩ Eti Ben Simon, thuộc Trung tâm Khoa học về giấc ngủ, cho biết: “Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vài thập niên qua chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về sự cô đơn và thời gian ngủ giảm đáng kể. Nếu không có giấc ngủ đầy đủ, chúng ta sẽ trở thành một người ngại giao tiếp xã hội, và sự cô đơn sẽ sớm xuất hiện”.
Theo Daily Mail, nghiên cứu này thách thức giả định rằng con người được lập trình để nuôi dưỡng các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội vì sự sống sót của loài. Tại Mỹ, cứ 3 người thì có 1 người không ngủ đủ 7 tiếng/tối như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ kiến nghị.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm sẽ tốt cho con người. Ngủ ngon và đủ sẽ khiến chúng ta thấy cởi mở hơn và tự tin hơn, thu hút người khác hơn. Ngược lại, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tất cả bệnh tật mạn tính và tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần cũng như sức khỏe đời sống xã hội của chúng ta.
Tóm lại, nếu muốn có nhiều bạn bè, hấp dẫn hơn trong mắt người khác, hạn chế biểu hiện xa lánh xã hội và bị xã hội xa lánh, hãy ngủ đủ giấc.
Tác giả: Tạ Ban
Nguồn tin: Báo Thanh niên