Tin trong tỉnh

Phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh

Chiều 12/6, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự phiên giải trình có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Quang cảnh phiên giải trình

Hoàn thành việc thống kê, rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân

Đ/c Phạm Thành Chung – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo về việc thực hiện các Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay

Trước khi bước vào phiên giải trình, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Thông báo kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay của UBND tỉnh.

Với sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các Sở, ngành, UBND cấp huyện nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã hoàn thành việc thống kê, rà soát và phân loại các trường hợp còn tồn đọng, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý cấp GCN QSD đất cho người dân.

Đ/c Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề

Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/4/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 2.962 GCN QSD đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân với diện tích 53.168,85 ha. Đến nay, 480/480 xã, phường, thị trấn (sau sáp nhập gồm có 460/460 đơn vị cấp xã) trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, trích đo địa chính. Đã và đang tiến hành đo vẽ lại khu vực đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa cho 245 đơn vị cấp xã (tăng 33 xã so với tháng 6/2022).

Về việc sắp xếp nhà, đất sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 05/5/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 2.144/4.326 cơ sở nhà, đất; số cơ sở nhà, đất còn lại chưa được phê duyệt sắp xếp là 2.218/4.326 cơ sở (chiếm 50,8%). Dự kiến đến ngày 30/6/2023, số cơ sở nhà, đất được phê duyệt là 4.057 cơ sở, đạt tỷ lệ 93% tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp.

Về kết quả thực hiện Thông báo số 352/TB-HĐND ngày 02/11/2022 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện cơ bản đã vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm. Công tác triển khai thực hiện các bước trong công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật và thực hiện theo tiến độ Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND tỉnh; ý thức về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của người dân bước đầu đã được cải thiện, chuyển biến tốt hơn...

Đ/c Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT rà soát lại, điều chỉnh kế hoạch đăng ký kê khai, cấp, cấp đổi GCN QSD đất cho tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh, đưa mục tiêu hoàn thành công tác đăng ký, cấp, cấp đổi GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp còn tồn đọng để có giải pháp tháo gỡ, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật...

Đề nghị UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện phương án sắp xếp tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan Trung ương rà soát tài sản công do các cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh để thống nhất phương án xử lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc về quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền cấp huyện, xã tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả công tác giải toả vi phạm hành lang ATGT, đặc biệt cần xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm vỉa hè đô thị trên địa bàn tỉnh; có các giải pháp chống tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật ATGT...

Thực hiện tốt công tác phối hợp trong giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Đ/c Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình HĐND tỉnh về kết quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022

Giai đoạn 2018-2022, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp đã có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao 158.611,48 ha, đạt tỷ lệ 59,68 % so với Đề án được giao. Tổng số hộ gia đình được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp 22.901 hộ gia đình với tổng diện tích giao 98.948,56 ha. Tổng số cộng đồng dân cư được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp 317 cộng đồng với tổng diện tích giao 59.662,92 ha.

Bộ máy quản lý nhà nước và các tổ chức đơn vị sự nghiệp về lâm nghiệp được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh giảm lao động gián tiếp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp rà soát sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đối với các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong 05 năm qua, tình hình an ninh rừng cơ bản ổn định, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong toàn tỉnh giảm cả về số vụ, diện tích thiệt hại, số lượng lâm sản tịch thu do vi phạm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu, một số đơn vị cấp huyện không thể khắc phục được khó khăn để tiếp tục tổ chức triển khai được Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp. Hiện nay, phần lớn các chủ rừng là tổ chức mới chỉ được giao quản lý, sử dụng theo quyết định thành lập, chưa bàn giao rừng và đất lâm nghiệp trên thực địa, chưa được đo đạc, giao đất, cấp GCN QSD đất và cắm mốc ranh giới theo quy định; mặt khác diện tích rừng được giao tại các quyết định thành lập hiện nay cũng không phù hợp với thực tiễn…

Đ/c Lô Thị Kim Ngân – Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị làm rõ hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông lâm nghiệp tại diện tích đã giao cho Tổng đội thanh niên xung phong

Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện kịp thời và còn nhiều bất cập gây khó khăn cho các đơn vị, tổ chức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vẫn còn xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại về rừng; số vụ vi phạm trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều...

Trước những hạn chế, tồn tại được các đại biểu nêu lên, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Tỉnh đoàn và các đơn vị, địa phương liên quan đã làm rõ nguyên nhân, giải pháp và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đ/c Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp GCN QSD đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, và cả các chủ rừng nhà nước theo quy định

Giải trình về các nội dung thuộc thẩm quyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết, trong thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả, đồng bộ giữa quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh, chiến lược phát triển lâm nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn. Tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được UBND tỉnh giao. Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để phát huy năng lực, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng...

Đ/c Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Phát biểu tại phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cần có sự vào cuộc của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giao đất, giao rừng và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, trong đó có Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và các văn bản dưới luật mới ban hành...; rà soát lại các quy hoạch, đề án có ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp, đề xuất điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An, trong đó UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm.

Đ/c Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu

Kết luận phiên giải trình, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng, được cử tri chú ý, vì vậy cần rà soát lại và đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển và bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Thống nhất cao với báo cáo của UBND tỉnh, các ý kiến giải trình của UBND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT rà soát lại hệ thống văn bản bất cập, lạc hậu, không sát thực tế, bổ sung hoàn thiện lại cho phù hợp; đối với những nội dung thuộc thẩm quyền Trung ương thì kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời để công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng có hiệu quả. Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tiến hành nhanh nhất việc đo đạc, cắm mốc ranh giới và điều chỉnh 3 loại rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả, đồng bộ giữa quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh, chiến lược phát triển lâm nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án giao đất, giao rừng và cấp GCN QSD đất lâm nghiệp cho hộ gia đình cá nhân cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 và kết quả thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCN QSD đất lâm nghiệp cho tổ chức quản lý sử dụng. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo giao đất gắn với giao rừng phải thống nhất ranh giới trên bản đồ và trên thực địa. Rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án trồng rừng; kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác giao đất, giao rừng, cấp GCN QSD đất lâm nghiệp. Thực hiện tốt các cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để thụ hưởng quyền lợi từ các chính sách của Nhà nước; tạo sinh kế và việc làm, giảm tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng...

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP