|
Má Hai đây là cô ruột của tôi. Vợ chồng cô không có con nên 3 anh em chúng tôi gọi cô là má Hai, còn chồng của cô là ba Hai. Má Hai từ thời còn trẻ đã tu hành nên ăn chay quanh năm suốt tháng. Các món ăn thường trực trong bữa cơm của vợ chồng mà hai là tương, chao, đậu hũ, dưa leo, đậu bắp.
Hồi còn nhỏ, mẹ tôi làm thu ngân ở một nhà hàng đắt khách. Vì công việc nhà hàng nên mẹ tôi thường xuyên vắng nhà. Những bữa cơm anh em chúng tôi ăn hồi đó đều nhờ một tay má hai nấu nướng.
Thế nhưng, trong khi anh em chúng tôi ăn mặn thì má Hai ăn chay trường. Chính vì vậy mà có nhiều điều bất tiện. Và cuối cùng giải pháp là chúng tôi ăn chay theo vợ chồng má Hai.
Ngoài những bữa cơm hằng ngày với đậu hũ ky, nước tương, đậu phộng, thỉnh thoảng má Hai nấu món phở chay cho anh em chúng tôi ăn để đổi vị. Món phở chay má Hai một thời giờ đây nhắc lại tôi vẫn còn thấy thèm.
Má Hai nấu phở chay đơn giản lắm. Chỉ là mấy thứ rau củ quả để tạo độ ngọt cho nồi nước lèo trong vắt. Tôi nhớ không lầm các loại củ quả thường nấu gồm có củ sắn (của bà nội tôi mang từ Tiền Giang lên - nhà ông nội tôi ở dưới Tiền Giang), củ cải trắng, cà rốt và nấm rơm. Thời đó các món này mua vô cùng rẻ.
Má Hai lại là dân buôn bán ở chợ nên việc mua những rau củ quả ngon mà giá rẻ là điều rất dễ dàng. Cũng có khi má bảo bữa nào bán ế (má hai tôi nuôi giấm bán ở chợ Phan Văn Trị) má Hai tôi đổi hàng với một vài cô cũng bán ế như má. Vậy nên nhà má Hai hầu như lúc nào cũng có thức ăn rau củ quả trong tủ lạnh.
Mỗi lần nấu món phở này, má Hai thường nấu đủ cho cả ba anh em chúng tôi ăn và cả vợ chồng má hai nữa. Thế nên cái nồi nước lèo trông to vậy nhưng 3 anh em tôi (đều là con trai) đều quất sạch sành sanh. Tô phở nước ngọt như mía lùi, trên có thêm đậu hũ miếng cắt nhỏ và đậu hũ ky, thêm hành xắt nhuyễn. Bánh phở thì trắng đục và mềm.
Mỗi lần ăn, anh em chúng tôi thay phiên nhau vớt cái, tôi thích ăn nấm còn thằng Hoàng (đứa em giữa của tôi) nó thích ăn cà rốt, trong khi cu út lại thích ăn củ cải trắng.
Má Hai còn làm thêm chén nước tương pha ớt thật ngon khiến anh em chúng tôi không thể nào cưỡng lại. Nhất là những ngày mưa, má Hai mà nấu nồi phở chay thì coi như anh em chúng tôi ăn đổ mồ hôi nhễ nhại ướt cả lưng áo. Anh em tôi có thể xì xụp hết nồi phở, lấn sang phần ăn cả buổi chiều.
Tôi không biết bí quyết của món phở chay má Hai nấu là gì, chỉ biết cái nước nó trong thật trong, ngọt thanh mà đậm vị. Tô phở chay nó khác hẳn với những tô phở chay ở các quán ăn chay bây giờ hay ở một số chùa người ta nấu để khách viếng chùa ăn.
Tô phở chay má Hai có lẽ được nấu từ tình thương của má Hai dành cho chúng tôi, cũng là những tô phở được nấu từ bàn tay của một người phụ nữ không thể có con, mong muốn có con và xem các cháu như con ruột của mình. Món phở chay ăn thanh mát mà ấm áp tình thương của má.
Mẹ tôi là người gốc Nam Định, ba tôi là người Tiền Giang. Nam Định nghe nói là cái nôi của phở, còn Tiền Giang có món hủ tiếu nổi tiếng khắp ba miền. Vậy mà món phở tôi ghiền lại là món phở chay của má Hai, được nấu theo phong cách Sài Gòn xưa, ngon không lẫn vào đâu được.
Giờ đây, khi đã lớn, đã đi nhiều nơi, thưởng thức phở ở nhiều miền, chay mặn đều có nhưng tôi chưa thấy ai nấu qua món phở chay của má hai. Có lẽ ngày xưa còn nhỏ, ít đồ ăn nên thấy món phở chay má Hai ngon không đâu thay thế được.
Tác giả: Bửu Lộc
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ