Phòng khám đa khoa Quang Thành bị tố xả rác, nước thải y tế trực tiếp ra môi trường |
Theo phản ánh của người dân địa phương đến Báo Giao thông, Phòng khám Đa khoa Quang Thành (thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thường xuyên xả nước thải, rác thải y tế nguy hại ra môi trường, đe dọa sức khỏe của người dân trong khu vực.
Nhận được thông tin trên, ngày 23/3 và tối ngày 27/3/2019, Báo Giao thông đã cử phóng viên trực tiếp xuống nơi tập kết rác và vị trí ống xả nước thải của Phòng khám Đa khoa Quang Thành. Qua đó, phát hiện toàn bộ nước thải của phòng khám không qua xử lý được bắc ống chảy thẳng ra mương nước phía sau. Trong các túi rác xếp đống ngay trước cửa phòng khám bên trong có: bông, gạc đã qua sử dụng, bao tay cao su, vỏ các lọ thuốc và các đoạn dây nhựa nghi dây tiêm truyền.
Rác y tế, rác sinh hoạt chất đống trước cửa phòng khám để xe rác địa phương thu gom |
Ngày 2/4/2019, phóng viên đã làm việc với bác sĩ chuyên khoa 1 là Lê Văn Thảo – Giám đốc Phòng khám Đa khoa Quang Thành. Khi PV nêu vấn đề, bác sĩ Thảo khẳng định: “Phòng khám luôn thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phân loại rác và chất thải y tế. Rác tại phòng khám được phân làm 4 loại, gồm: Rác thải sinh hoạt; Rác thải tái chế; Rác thải nguy hại; Rác thải nguy cấp. Đối với rác thải y tế nguy hại thì phòng khám đã ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu để làm công tác thu gom tiêu hủy.
Tuy nhiên, khi phóng viên cho bác sĩ Thảo xem các hình ảnh đã ghi nhận, bác sĩ Thảo thừa nhận: “Dù chưa dám chắc hình ảnh này có phải là rác của phòng khám không nhưng để bông băng đã qua sử dụng, vỏ lọ thuốc chung với rác sinh hoạt như vậy là không đúng”.
Bác sĩ Thảo cho biết: Hàng ngày phòng khám sản sinh ra khoảng 2kg rác thải y tế và khoảng 3 lít nước thải từ các máy xét nghiệm. Rác y tế được giao cho bộ phận xử lý nhiễm khuẩn của phòng khám thu gom và đưa tới Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu tiêu hủy. Phòng khám chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng, nên số nước thải từ các máy xét nghiệm được cho vào can, xử lý bằng chất khử trùng diệt khuẩn (Cloramin B) rồi mới đổ vào đường ống thải. Trường hợp như báo phản ánh, nếu có thì do anh em phân loại không tốt, để lọt rác thải nguy hại ra ngoài môi trường.(!?)
Nhiều bông băng, lọ thuốc đã qua sử dụng được phát hiện trong túi rác của phòng khám |
Bác sĩ Lê Thị Thùy – người được giao phụ trách xử lý nhiễm khuẩn của phòng khám khẳng định: "Phòng khám làm rất tốt công tác phân loại rác". Bác sĩ Thùy dẫn PV đi khắp các khoa phòng để chỉ những thùng rác đã được phân loại. Tuy nhiên, khi PV hỏi ai là người đưa rác nguy hại tới bệnh viện Quỳnh Lưu để xử lý (như điều khoản trong hợp đồng) thì bác sĩ Thùy tỏ ra bối rối, nói "phân cho phòng hành chính đưa đi".
Trong khi đó, chị Hồ Tuyết Mai – Nhân viên hành chính của bệnh viện một mực khẳng định: Chỉ tiếp nhận rác của các khoa, phòng sau đó giao cho hộ lý, bảo vệ chứ không có ai đưa tới bệnh viện Quỳnh Lưu. Khi thì bệnh viện đa khoa trực tiếp vào lấy, khi thì giao lại bảo vệ để chờ họ đến lấy. Lúc lấy thì không có thời gian cố định, tiện lúc nào lấy lúc đấy.
Qua sự việc, có thể thấy rõ việc xử lý rác thải y tế nguy hại đã không được phòng khám này thực hiện nghiêm túc. Chính bác sĩ Thảo sau buổi làm việc đã nhận khuyết điểm từ phòng khám và xin được rút kinh nghiệm.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hồ Thế Thành - Trưởng phòng y tế huyện Quỳnh Lưu, khẳng định: Tất cả các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đều phải tuân thủ quy định về xử lý rác. Riêng các cơ sở trên địa bàn huyện, khi thành lập đều đã có hợp đồng với Bệnh viện đa khoa huyện xử lý rác thải y tế. Cơ sở nào vi phạm trong quá trình hoạt động chúng tôi sẽ xử lý. Theo kế hoạch, ngay trong tháng 4 này, Phòng sẽ tiến hành 1 đợt kiểm tra tại các cơ sở hành nghề y dược tư nhân về vấn đề rác thải và xử lý rác thải y tế.
Tác giả: Văn Thanh - Hồng Đức
Nguồn tin: Báo Giao thông