Nhân ái

Phóng viên bị đuổi đánh, thấu hiểu "cuộc sống địa ngục" của 2 cụ tuổi kề 90

Con trai cụ bị tâm thần, cứ để "nó" đói là "nó" đánh và 2 cụ bị đánh thường xuyên. Chúng tôi cũng bị con trai cụ đuổi đánh. Không biết, tối nay trong gian bếp lạnh lẽo ấy vợ chồng cụ Sỹ tuổi đã kề 90 có bị con đánh? Câu hỏi ám ảnh mãi trong tôi khi nhìn những mảng khói lam chiều bay bảng lảng ở thôn Đầu Bến, Hải Dương.

"Cuộc sống địa ngục" của 2 cụ tuổi kề 90, hễ con đói bụng là bị đánh

Dù đã cẩn thận ngó trước ngó sau, theo như lời dặn của bác Lê Văn Bảy (trưởng thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), nhưng khi vừa rón rén bước qua cách cửa sắt cũ kỹ, hoen gỉ của nhà cụ Sỹ, thì bất ngờ một người đàn ông quần áo bẩn thỉu, râu ria lởm chởm, đầu tóc bù xù như từ dưới đất chui lên, tay lăm lăm cây gậy gỗ cứ nhè đầu chúng tôi mà phang.

May mà có 2 thanh niên khỏe mạnh trong thôn đi cùng vội vàng ôm chặt lấy người đàn ông… Được giải cứu kịp thời và được "bảo lãnh" vào trong nhà đóng chặt của lại rồi mà tôi vẫn còn tim đập chân run. Trong khi người đàn ông tội nghiệp vẫn vác gậy, đi cà nhắc vòng quanh nhà, miệng không ngừng la hét, chửi rủa.

Hướng đôi mắt mờ đục nhìn theo người con trai, cụ Lê Văn Sỹ (86 tuổi), bùi ngùi kể: “Em nó là Sang (Lê Văn Sang, 55 tuổi) là con trai thứ 3 của tôi. Em nó bị tâm thần từ nhỏ, hễ có người lạ đến là nó đuổi đánh. Ngày trước nó không đánh chúng tôi, nhưng mấy năm gần đây thì lại phát sinh đánh bố mẹ, nhất là khi em nó đói bụng...và cảnh nhà nghèo khó nên hai cụ cứ bị con đánh thường xuyên.

Anh Lê Văn Sang (55 tuổi), thời gian gần đây hay đuổi đánh bố mẹ, nhất là mỗi khi đói bụng.

Bây giờ vợ chồng tôi già yếu, bà ấy lại lưng còng không chạy được. Nên mỗi khi em nó vừa ra khỏi nhà là tôi lại phải đóng chặt cửa lại, chờ khi có cái ăn, hoặc có người khỏe mạnh trợ giúp thì mới dám mở cửa” - nói về đứa con trai tội nghiệp, giọng cụ Sỹ nghẹn lại chất chứa nỗi đau khôn tả.

Đang trò chuyện, thì một người phụ nữ trung tuổi gày yếu dắt theo một chàng thanh niên miệng liên tục lẩm bẩm những câu nói vô nghĩa, nhảm nhí, gương mặt ngơ ngơ ngác ngác như đứa trẻ lên 3. Theo sau chị còn thêm một người đàn ông trông đờ đẫn, khó đoán tuổi quần áo xộc xệch, nhàu nhĩ, tập tễnh từ ngoài sân bước vào.

Như từ dưới đất chui lên, anh Sang tay lăm lăm cây gậy gỗ cứ nhè đầu người lạ mà phang.

Người phụ nữ cam tâm "kết duyên" nguyện chăm sóc cho "kẻ" tâm thần

Đưa tay lên chấm giọt nước mắt hiếm hoi vừa rỉ ra nơi khóe mắt, cụ Sỹ cho biết: Đó là gia đình người con cả Lê Văn Hùng, năm nay 62 tuổi. Cũng giống như anh Sang, anh Hùng bị bị tật ở chân và mắc bệnh tâm thần từ nhỏ…

Người phụ nữ này đã cam tâm tình nguyện kết duyên để chăm sóc cho người đàn ông tật nguyền và bị mắc bệnh tâm thần.

Những tưởng cuộc đời anh Hùng cứ thế cô đơn trôi đi trong bệnh tật, như định mệnh đã an bài thì năm anh 36 tuổi có một người phụ nữ xã bên tên Đặng Thị Tam kém anh 5 tuổi nguyện "kết duyên" để cả đời được chăm sóc anh...

Về ở với nhau, chị Tam sinh được 3 người con. Cũng vì cái đói, cái nghèo, nhà không có gì ăn nên đứa con gái lớn theo mẹ đi làm đồng đã mót khoai ăn sống và không may qua đời năm lên 6 tuổi. Do con bé ăn phải miếng khoai lang tẩm thuốc người ta dùng để bẫy chuột.

Đứa con trai thứ 2 Lê Văn Mạnh (20 tuổi), thì mắc bệnh tâm thần giống bố và chú. Chỉ còn đứa con gái út Lê Thị Vân (sinh năm 2002) là lành lặn đang học lớp 11, nhưng con đường đến trường của em luôn gập ghềnh trắc trở, bởi gia cảnh quá đỗi khó khăn.

Cả nhà chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội ít ỏi.

Chị Tam tâm sự, chị biết anh Hùng bị bệnh tâm thần nhưng vì cái duyên, cũng vì lòng thương nên chị nguyện lấy anh Hùng và mong những đứa con ra đời sẽ khoẻ mạnh, khôn ngoan như con nhà người ta. Nhưng con lớn thì đã xấu số thiệt phận, được thằng con trai thì cũng mắc bệnh giống bố và chú Sang.

Bản thân chị Tam cũng không thể hiểu nổi, "số trời" run rủi mọi tai ương cứ giáng xuống gia đình chị. Trong gia đình nhà chồng có 4 người con trai thì anh Hùng, anh Sang đều mắc bệnh tâm thần. Một người trai thứ hai của cụ Sỹ làm trong ngành công an thì hơn 20 năm trước bị sét đánh qua đời.

Đã ở vào cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng 2 cụ (cụ ông Lê Văn Sỹ, 86 tuổi, cụ bà Mạc Thị Cặt, 87 tuổi) vẫn đang là chỗ dựa cho 2 người con trai và đứa cháu nội mắc bệnh tâm thần. Gần đây cụ Cặt lại hay đau yếu, cụ Sỹ vừa phải chăm sóc vợ vừa nơm nớp lo sợ đứa con tâm thần bất chợt vào nhà đuổi đánh.

Chị bảo, em thì sức yếu không làm được gì, bây giờ cả nhà em lại là gánh nặng cho ông bà…chị Tam vừa nói vừa khóc, những giọt nước mắt đau xót chảy dài trên gương mặt tiều tụy.

Nói về gia đình cụ Sỹ có hoàn cảnh đặc biệt trong thôn, ông Bảy cho biết: “Cả làng, cả xã này, không ai khổ và đau bằng 2 cụ. Sinh cả thảy 4 người con trai, thì giờ chỉ còn người con trai út là lành lặn làm công nhân ở Quảng Ninh, thi thoảng về thăm, còn lại các bác đã thấy đấy...

Cuộc sống hiện tại của 2 cụ tuổi kề 90 tựa như địa ngục.

Giờ bệnh của anh Sang nặng hơn, nhiều hôm mò vào bếp không thấy có gì ăn, nó lại vác gậy đuổi đánh 2 cụ. Dạo này, thôn phải cắt cử thanh niên canh chừng. 2 cụ cũng muốn cho anh Sang được 1 lần đi viện khám, nhưng của đáng tội 2 cụ không có tiền".

Ngồi bó gối trong gian bếp lạnh lẽo, cụ Sỹ bảo cụ chỉ ước ngày nào "thằng Sang" nó cũng được no bụng để không còn đánh bố mẹ, mong có được chút tiền cho em nó đi khám …, giọng cụ run rẩy.

Nói rồi, từ 2 hốc mắt sâu thẳm của cụ Sỹ, 2 giọt nước mắt của tuổi già từ từ đùn ra rồi tan nhanh trên đôi gò má nhăn nheo già nua teo tóp. Cụ đã khóc, nhưng không còn nước mắt để rơi nữa, bởi cuộc đời quá ư bất hạnh đã lấy đi hết mọi thứ của cụ, đến cả những giọt nước mắt cuối cùng...

Cụ Sỹ đã không còn cả nước mắt để khóc cho nỗi bất hạnh của cuộc đời.

Rời ngôi nhà của 2 cụ khi trời mùa đông ánh nắng vàng nhạt cũng vụt tắt nhanh, nhìn khói lam chiều của vùng quê Hải Dương và cả những vị khói củi bếp thơm thơm phảng phất của những gia đình trong thôn mà lòng chúng tôi nghẹn ngào nghĩ đến cảnh cụ Sỹ ngồi bó gối trong gian bếp lạnh lẽo. Không biết tối nay 2 cụ có bị đánh...!?

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: 90 tuổi , cụ ông , hoàn cảnh , cụ bà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP