Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Getty |
Hôm 27/11, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật "Dân chủ và nhân quyền Hong Kong", một tuần sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Luật này yêu cầu chính phủ Mỹ hằng năm phải ra báo cáo đánh giá liệu Hong Kong có đủ quyền tự trị để được Mỹ tiếp tục duy trì quy chế thương mại đặc biệt hay không. Quy chế thương mại đặc biệt này giúp Hong Kong hưởng nhiều ưu đãi hơn trong thương mại với Mỹ so với Trung Quốc đại lục, chẳng hạn không phải chịu chính sách thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc nhập khẩu từ năm ngoái đến nay.
Luật này cũng quy định các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm về vi phạm quyền con người ở Hong Kong cũng như cấm xuất khẩu một số loại đạn kiểm soát đám đông sang Hong Kong như vòi rồng, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng gây choáng.
“Tôi đã ký dự luật với sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong. Dự luật được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hong Kong có thể giải quyết các bất đồng của họ một cách thân thiện, mang lại hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người”, Tổng thống Trump cho biết.
Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối dự luật về Hong Kong do Quốc hội Mỹ thông qua, gọi đây là văn kiện “không cần thiết và phi pháp”. Các quan chức Trung Quốc dọa sẽ có biện pháp đáp trả nếu dự luật này chính thức có hiệu lực.
Trong vòng chưa đầy một tuần, bộ Ngoại giao Trung Quốc hai lần triệu Đại sứ Mỹ để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" và cảnh báo Mỹ sẽ "chịu mọi hậu quả" nếu không rút dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng chỉ trích bất kì nỗ lực nào của Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc là vô ích, kêu gọi Mỹ "xem xét rõ ràng tình hình" và ngăn chặn dự luật trở thành luật.
Tổng thống Donald Trump ngày 22/11 cho biết ông đã ngăn Hong Kong khỏi bị xóa sổ trong 14 phút. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Trung Quốc có một triệu quân đứng bên ngoài Hong Kong nhưng không tiến vào, bởi ông đã đề nghị Bắc Kinh không làm như vậy.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã tiếp tục bùng phát thành một phong trào đòi dân chủ, chống chính quyền, dẫn tới các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình, cũng như giữa người biểu tình và các thành viên của công chúng. Tính đến hết ngày 18/11, đã có ít nhất 4.600 người bị bắt trong các vụ biểu tình kể từ hồi tháng 6 đến nay.
Tác giả: Quỳnh Chi (TH)
Nguồn tin: Báo ĐS & PL