Với nhiều người, chửi bậy thản nhiên đến nỗi người không quen phải giật mình tự hỏi phải chăng mình là người lạc hậu khi không biết văng tục. Nói tục chửi bậy phổ biến đến nỗi nhiều khi ta nhầm tưởng đó là một nét tính cách, là bản chất, là một sắc thái của cuộc sống.
Đa số các ý kiến cho rằng nói bậy chửi tục trở thành một điều xấu xí trong mắt nhiều người. Đứng trên vị trí của các bậc cha mẹ, không ít người bộc lộ thái độ khó chịu và có giải pháp kịp thời trước tình trạng con cái nói bậy.
Đa số cha mẹ khó chịu khi con chửi thề, văng tục. (Ảnh minh họa). |
Chia sẻ về vấn đề này, chú Hải Trung – Phó trưởng ban Giám sát công ty giày da Hà Nội cho hay: “Thực tình nói bậy không đồng nghĩa với chuyện đánh đồng nhân cách của người nói bậy. Nhưng khi những câu nói bậy được thốt ra đầy bản năng thì đó lại trở thành một điều khác. Tôi không quá ngạc nhiên nếu con của mình nói bậy vì các câu tục bậy không hẳn là hiếm. Song thay vì việc cấm đoán quy kết thì tôi thường ngồi lại nói chuyện thẳng thắn giúp con hiểu vấn đề”.
Chị Thuần – Trung Tự, Hà Nội, nhìn nhận theo cách khác: “Nói bậy cũng không xấu, ở một vài trường hợp là cách để giải toả căng thẳng. Tôi có thể bỏ qua cho con khi con vô tình nói bậy hoặc bày tỏ sự bức xúc không kiểm soát được. Nhưng tuyệt đối tôi cấm nói bậy với bố mẹ - nhất là trong các cuộc tranh cãi”. Còn anh Thanh – Đào Tấn, Đội Cấn, Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Không có điều gì xấu hẳn và tốt hẳn. Nếu coi nói bậy là tốt thì là tốt, mà coi là xấu thì là xấu. Nhưng con cái thì tốt nhất đừng có mở câu tục tĩu khi nói chuyện với người lớn. Đó là cách tôn trọng nhau tối thiểu”. Và có lẽ người viết là một người có lối suy nghĩ đa chiều, nên cũng không quá ngạc nhiên khi một vài nhân vật có những câu “đệm” khi trả lời phỏng vấn.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khắt khe về vấn đề này. Đơn cử như quan điểm của ông Toàn – một cư dân phố Cổ: “Cái hay không muốn lại muốn cái dở. Chẳng một ai thừa nhận cái hay của nói bậy nói tục cả. Con cái nói bậy – bố mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tôi giật mình khi thấy thằng con lớn của mình nói câu bậy. Như thế khác gì là tấm gương cho thằng cháu tôi biết nói bậy. Ngay tức thì tôi phải nói ngay, cấm luôn. Người Hà Thành văn minh nói lời hay ý đẹp chứ sao lại nói bậy?”.
Đồng quan điểm, cô Hà – nhân viên bán hàng tại Hàng Bài cho biết: “Con tôi học lớp 1, có một lần đi học về nói bậy với anh nó. Tôi phải sững sờ vì không hiểu nó học câu đấy từ ai. Và rồi tôi hiểu ra, xung quanh các mối quan hệ của con tôi xuất hiện các từ bậy để nó bắt chước. Hãy rèn con khi còn nhỏ bởi nó không hiểu nghĩa của câu bậy. Chứ để nó hiểu rồi, nó học theo, nói quen miệng thì sẽ trở thành điều tệ hại”.
Có lẽ lúc đầu cái thói quen nói bậy ấy chỉ tồn tại trong một bộ phận người nhất định, nhưng dần dần khi ta đã quen với nó, chấp nhận nó, nó ngấm vào ta lúc nào không biết rồi có khi chính bản thân ta cũng nói năng như thế.
Điều nguy hiểm là ở chỗ chúng ta đã quen với việc nói tục chửi bậy cùng nhiều cách hành xử thiếu văn hóa khác quá lâu rồi, nó đã trở thành thói quen mất rồi.
Trên đây là những quan điểm của các ông bố, bà mẹ trước câu chuyện về hành vi nói bậy của con cái họ. Vậy còn bạn, bạn nghĩ sao khi những đứa con của mình về nhà chào bạn và nói một câu bậy đầy ngẫu hứng?
Tác giả: Nguyễn Minh Anh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin