Giáo dục

Phụ huynh ở Nghệ An hoang mang vì loạn thị trường sách giả, sách lậu

Sách lậu, sách giả là việc đã được nói đến trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình trạng này lại “tái diễn” vào dịp năm học mới với nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn.

Không khó để phát hiện sách giả

Cũng như mọi năm, từ cuối tháng 6, chị Nguyễn Thị Trinh (phường Vinh Tân, thành phố Vinh) đặt sách giáo khoa cho con ở một cửa hàng quen trên đường Lê Duẩn (thành phố Vinh). Chị Trinh nói rằng, chị chọn cửa hàng này vì lâu nay ở đây kiêm luôn dịch vụ bọc sách. Chị cũng rất tin tưởng vì cửa hàng hoạt động khá lâu, nguồn sách khá ổn định.

Tuy nhiên, gần đây, khi mọi người nói về sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu, chị mới bắt đầu chú ý và kiểm tra lại bộ sách mới mua cho con. Kết quả, tất cả những cuốn sách tham khảo hầu hết là sách giả. Nói thêm về điều này, chị Trinh cho biết: “Khi cầm sách về, sách đã được bọc, dán nhãn cẩn thận nên tôi không chú ý. Nhưng, khi tìm hiểu kỹ mới phát hiện ra đây là sách giả và tôi thực sự lo lắng không biết chất lượng sách có đảm bảo hay không”.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh sách và văn phòng phẩm tại thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại một nhà sách lớn nhất ở thành phố Vinh, khi được hỏi về sách giả, sách lậu, nhân viên nhà sách đã đưa cho chúng tôi xem rất nhiều bằng chứng khác nhau. Như cuốn sách “Học Mỹ thuật lớp 4” (theo định hướng năng lực) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản và sách giáo khoa giả nhìn ngoài rất giống nhau về màu sắc, hình ảnh và nội dung. Nhưng, nhìn kỹ có sự khác biệt khi sách thật giấy in mịn còn sách giả, giấy lại thô.

Ở bìa sách thật, nếu nhìn kỹ sẽ có những đường vân dọc khá rõ ràng nhưng sách giả thì đường vân lộn xộn. Hay như cuốn “Vở bài tập Tiếng Việt 2” nâng cao, nhìn vào mắt thường khó phân biệt sách giả, sách thật. Nhưng lật vào, sau cuốn sách và thử hai chiếc tem phân biệt giả, thật rất dễ dàng. Nếu là tem giả, chỉ cần gỡ nhẹ là chiếc tem đã bong ra. Tuy nhiên, nếu là sách thật thì tem rất khó bóc, khi giơ lên ánh sáng sẽ thấy rõ logo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhiều năm có kinh nghiệm làm sách giáo khoa, chị Nguyễn Thị Hiền - Phó phòng Kinh doanh - Công ty Sách thiết bị và trường học cho biết: “Sách giả hiện nay khá nhiều và chỉ cần tinh ý là người mua có thể phân biệt được bằng mắt thường. Riêng, với sách giáo khoa sách giả thường tập trung vào các cuốn sách như sách Tiếng Anh, sách tham khảo, sách Mỹ thuật vì đây là những cuốn sách có giá thành khá cao và lợi nhuận lớn. Thậm chí, nếu kinh doanh sách này, người bán có thể chiết khấu đến 40 – 50%”.

Sách lậu ngày càng đa dạng

Liên quan đến thị trường sách lậu, sách giả, hằng năm, vào dịp hè, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh lại tiến hành thanh, kiểm tra ở các cửa hàng kinh doanh sách giáo khoa và văn phòng phẩm trong toàn tỉnh. Qua nhiều năm đi trực tiếp thanh tra, bà Trần Thị Quỳnh Như - thanh tra viên ở Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: “Ngoài sách giáo khoa, một số sách khác cũng được làm giả như sách truyện, sách Tiếng Anh theo các chương trình đang hiện hành của các nhà xuất bản có uy tín. Học sinh mua phải những cuốn sách này khá nguy hại vì có nhiều nội dung không đúng với sách chính thống. Hơn nữa, nếu là sách ngoại ngữ, học sinh sẽ không kích hoạt được thẻ cào vì có thể mã sử dụng đã được kích hoạt hoặc thẻ cào là giả, không sử dụng được”.

Sách thật (bên phải) và sách giả (bên trái). Ảnh: Mỹ Hà

Đại diện đoàn thanh tra cũng cho biết, người mua có thể dễ dàng phân biệt được bằng những thủ thuật đơn giản. Chẳng hạn, thường sau những cuốn sách Tiếng Anh đều có tem phủ mã vạch để học sinh sử dụng khi học trực tuyến. Nếu là sách thật, khi rọi đèn pin (hoặc đèn của điện thoại) vào mã vạch, người xem sẽ không thấy hình ảnh gì xuất hiện.

Nhưng, nếu là sách giả thì chỉ cần soi đèn pin, sẽ thấy xuất hiện một dãy số. Một điều đáng lo ngại là hiện nay sách giả chiếm số lượng khá lớn trên địa bàn với khoảng hơn 50% nhưng việc phát hiện, kiểm tra xử lý lại không dễ dàng.

Về phía người tiêu dùng, dù biết là sách giả, sách lậu nhưng vẫn cố tình mua vì giá rẻ, sách được chiết khấu giá cao. Hoặc, một số trường hợp, các cửa hàng cố tình lẫn lộn sách giả vào sách thật để người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Chị Đặng Thị Thu Hà - phường Đông Vĩnh cho biết: “Tôi thường có thói quen mua sách ở các cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ nhưng năm nào cũng gặp vài quyển sách giả. Để tránh được tình trạng này rất khó vì mẫu mã sách rất giống và nếu không đọc kỹ nội dung thì không thể phân biệt được”.

Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều trường cũng đã nhận cung ứng sách giáo khoa cho học sinh thông qua hệ thống thư viện của nhà trường nhưng cũng không tránh được sách lậu, sách giả vì hiện nay đơn vị cung ứng sách giáo khoa rất nhiều, trong đó có cả những đơn vị tư nhân. Và, bằng nhiều cách khác nhau sách lậu vẫn len lỏi vào các trường một cách công khai.

Thậm chí có năm, nhiều trường ở các huyện như Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò tỷ lệ sách lậu của các sách Tiếng Anh, sách thực hành Toán và Tiếng Việt chiếm từ 20 - 80%.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 200 cửa hàng kinh doanh sách nhưng lực lượng thanh tra mỏng nên không kiểm tra được thường xuyên. Ông Trần Anh Tuấn - Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: “Hiện tại, sách giả tập trung vào những đầu sách có giá trị lớn và hành vi làm giả tinh vi hơn để chống đối các quan chức năng”.

Năm nay, sách giáo khoa đủ để cung ứng cho năm học mới. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế cũng cho thấy, các cơ sở kinh doanh có nhiều cách để lách luật như chỉ bày bán một số lượng ít trên cửa hàng, còn lại cất giấu khi có khách mua mới đưa ra. Trong khi đó, đoàn thanh tra chức năng lại không có thẩm quyền kiểm tra ở những nơi riêng tư. Hoặc, thay vì lưu giữ sách trong kho như trước kia, nay các đơn vị phát hành sẽ chuyển trực tiếp khi cửa hàng có nhu cầu nên nhiều trường hợp đoàn thanh tra đến lại không phát hiện được sách giả, sách lậu.

Từ đầu hè đến nay, qua thanh kiểm tra, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã thu giữ được 500 bản sách lậu, sách giả và đã xử phạt 5 cửa hàng với tổng số tiền 39 triệu đồng tại các huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Diễn Châu, thành phố Vinh. Đa phần sách lậu được phát hiện chủ yếu được nhập từ Hiệu sách Nhân dân ở Hà Nội.

Từ thực tế này, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết đã phối hợp với thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các ban, ngành liên quan để phối hợp kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thời gian tới sẽ mở rộng công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết không để tình trạng sách giả, sách lậu vào các trường học nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh và người tiêu dùng.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: sách lậu , sách giả , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP