Trường THPT thực hành Cao Nguyên - Ảnh: T.T. |
Sáng 24-7, ông Nguyễn Hữu Duẩn - hiệu trường Trường THPT thực hành Cao Nguyên (ĐH Tây Nguyên), xác nhận có việc trường ép học sinh đi học phụ đạo vì sợ các em trốn học đi chơi.
Trước đó, một số phụ huynh phản ánh việc giáo viên chủ nhiệm có liên hệ với họ đề nghị theo dõi, yêu cầu học sinh phải đi học phụ đạo tại trường vì nhiều em không tới lớp.
Phụ huynh cho rằng năm học đã kết thúc, nhà trường vẫn bắt học sinh đi học là bất hợp lý. Các cháu cũng đã có kế hoạch ôn thi, nay phải bỏ các môn học thêm bên ngoài để đi học trong trường rất lãng phí, mất thời gian.
Phụ huynh cũng phản ảnh trường ‘dọa’ học sinh không đi học phụ đạo sẽ không giải quyết giải quyết cho thi tốt nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Duẩn cho biết phụ huynh chỉ phản ánh đúng một nửa bản chất câu chuyện, đó là nhà trường có yêu cầu bắt buộc học sinh lớp 12 đi học phụ đạo.
"Tuy nhiên, không phải toàn bộ học sinh lớp 12 phải đi học phụ đạo mà chỉ những học sinh học yếu một số môn học theo đánh giá của giáo viên mới phải học. Đặc biệt, việc học chỉ 2 tiết tuần/môn và không thu bất cứ một khoản học phí nào, kể cả tiền photo giấy thi, tài liệu cho các em", ông Duẩn khẳng định.
"Chúng tôi yêu cầu các giáo viên bộ môn thống kê tình hình học tập, điểm cuối kỳ của các em học sinh để sàng lọc. Nếu em nào học yếu một môn nào đó sẽ được lập danh sách, yêu cầu đi học phụ đạo để tránh việc các em hổng kiến thức". Ông NGUYỄN HỮU DUẨN
Theo ông Duẩn, năm học này là một năm khó khăn với học sinh cả nước, đặc biệt học sinh lớp 12, vì thời gian nghỉ ngắt quãng vì dịch COVID-19 quá dài. Việc học tập của các em học sinh vì vậy cũng có phần chểnh mảng, có em hổng kiến thức một số môn nhất định.
Bên cạnh đó, ngày 8-5-2020, Sở GD-ĐT Đắk Lắk có công văn yêu cầu các trường tổ chức ôn tập, dạy phụ đạo, tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 cho các em khối 12. Trên tinh thần của Sở, Trường THPT thực hành Cao Nguyên làm tờ trình gửi ĐH Tây Nguyên rồi lập kế hoạch ôn tập, dạy phụ đạo cho học sinh.
Việc này thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của sở, đồng thời cũng là tốt cho học sinh, mong muốn các em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Việc đậu tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để các em tiếp tục ở những môi trường học tiếp theo", ông Duẩn giải thích.
Theo ông Duẩn, trước khi tổ chức dạy phụ đạo, nhà trường có xin phép lãnh đạo Trường ĐH Tây Nguyên - Ảnh: T.T. |
Cũng theo ông Duẩn, sau thời gian nghỉ dịch, đi học trở lại, nhiều học sinh có biểu hiện chểnh mảng, hổng kiến thức, nhà trường rất lo nên tổ chức dạy phụ đạo miễn phí. Thế nhưng nhiều em nghỉ học, lo chơi bên ngoài nên cần có biện pháp quản lý, bổ sung kiến thức.
"Chúng tôi ép học sinh đi học là vì muốn tốt cho các em", ông Duẩn nói.
Ông Duẩn nói thêm, hiện nay nhà trường đã hoàn thành hồ sơ cho tất cả học sinh thi tốt nghiệp nên không có chuyện trường ‘không giải quyết cho thi tốt nghiệp’ vì học sinh không đi học phụ đạo.
"Một số học sinh cố tình trốn học đi chơi, nhà trường phải báo với phụ huynh để cha mẹ các em biết. Cũng có thể giáo viên chủ nhiệm trong quá trình liên lạc, dạy phụ đạo có ‘dọa’ để học sinh phải đến lớp, học tập chăm chỉ, chứ làm gì có chuyện cấm thi vì học sinh không học phụ đạo", ông Duần giải thích.
Tác giả: TRUNG TÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ