Theo tuyên bố của ông Vladimir Gutenev, thành viên Hội đồng chuyên gia Duma Quốc gia về hàng không, thực tế Nga đã điều tới 4 chiếc tiêm kích thế hệ 5 Su-57 đến Syria làm nhiệm vụ chứ không phải 2 chiếc như truyền thông đăng tải.
Đây là thông tin khá bất ngờ về số lượng của Su-57 đến Syria, nhưng đặc biệt hơn nữa, những máy bay này chỉ ở lại Syria đúng 2 ngày rồi âm thầm rút về nước mà không bị bất cứ phương tiện do thám nào của phương Tây phát hiện.
Thông tin này đã gây ra một cú sốc không nhỏ cho những ai hy vọng cục diện chiến trường Syria sẽ có thay đổi lớn khi chiến đấu cơ thế hệ 5 này xuất hiện. Thậm chí có những người còn đi xa hơn khi mong mỏi T-14 Armata hay các loại vũ khí hiện đại khác sẽ được Nga cho nối gót chiếc Su-57 để thử lửa.
Su-57 phóng tên lửa tại Syria. |
Thực tế những gì phía Nga tuyên bố ngay từ đầu đã trái ngược với kỳ vọng của rất nhiều người, họ chỉ nói rằng Su-57 sang để thử nghiệm các hệ thống điện tử hàng không chứ chẳng phải nhằm đối đấu với ai, ngay cả Mỹ cũng cho biết Su-57 chẳng đủ để đe dọa họ.
Nhiều chuyên gia nhận định, phía Mỹ cũng chẳng thiếu biện pháp để khiến Su-57 không dám bay xa khỏi bờ biển Latakia, các hệ thống radar tầm xa, máy bay trinh sát điện tử bố trí dày đặc xung quanh sẽ thu thập mọi thông số từ diện tích phản xạ radar cho tới bước sóng tần số... của các khí tài trang bị cho Su-57.
Do vậy, không ngạc nhiên khi Nga phải rút chiếc tiêm kích tàng hình của mình về nước sớm, để lại chẳng thêm được vai trò gì trong khi lại dễ trở thành mồi ngon trước phương tiện tình báo của đối phương.
Thất vọng nhất có lẽ là lực lượng Quân đội Chính phủ Syria, cần nhớ lại rằng trước đó không lâu một trận không kích quy mô ác liệt chưa từng có từ không quân Mỹ đã gây thương vong nặng nề cho cả Lữ đoàn Tiger lẫn lính đánh thuê người Nga.
Nhiều nhà quan sát nhận định, hơn lúc nào hết SAA mong muốn sẽ có tiêm kích Nga "che đầu" để tránh xảy ra sự việc tương tự, khi Su-57 xuất hiện chắc chắn quân chính phủ đã hy vọng rất nhiều, nhưng rồi niềm tin ấy đã đổ vỡ nhanh chóng.
Su-57 về nước nhưng F-22 và F-35 vẫn đầy đủ. Su-30SM và Su-35S được cho là không phải đối thủ xứng tầm của tiêm kích thế hệ 5, không gì bảo đảm cho lực lượng mặt đất Syria sẽ thoát khỏi một trận không kích tương tự nếu họ tiến vào khu vực được Mỹ bảo trợ, nhất là khi người Nga hoàn toàn án binh bất động, tránh đối đầu trực tiếp với người Mỹ bằng mọi cách.
Tuy nhiên nhiều người đã rất bất ngờ khi sau đó Nga cho công bố hình ảnh Su-57 đã phóng tên lửa hành trình tối tân từ ngoài khơi Syria. Vũ khí Su-57 sử dụng được nhận dạng chính là tên lửa hành trình Kh-59MK2, nó có cấu hình phù hợp với hệ thống tác chiến của tiêm kích tàng hình Su-57. Đồng thời thân tên lửa còn được thiết kế giảm tối thiểu diện tích phản xạ radar.
Tên lửa Kh-59MK2 có chiều dài 4,2 m; sải cánh 2,5 m; đường kính 0,4 m; cánh và vây của quả đạn có khả năng gấp lại được. Động cơ phản lực Saturn giúp Kh-59MK2 đạt tầm bắn 290 km.
Kh-59MK2 được dẫn đường thông qua chế độ bay quán tính INS và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS, ngoài ra còn được bổ trợ hệ thống dẫn đường quang điện tử giúp cho bán kính sai lệch mục tiêu chỉ là 3 mét.
Đồng thời Kh-59MK2 cũng có thể tùy chọn hệ thống dẫn đường khi thực hiện nhiệm vụ đối với các đối tượng khác nhau, đầu đạn khi đó sẽ thay đổi từ loại nổ phá nặng 310 kg hoặc đầu đạn chùm.
Bộ đôi tiêm kích tàng hình Su-57 cùng tên lửa tàng hình Kh-59MK2 được cho là sẽ trở thành xương sống của các phi vụ oanh kích tương lai mà Không quân Nga tiến hành. Và bất chấp những nhận định trái chiều về sự có mặt - rút lui của Su-57 tại Syria được đưa ra, nhưng với Nga, Su-57 đến Syria đã thu được rất điều quý giá.
Tác giả: Hòa Bình
Nguồn tin: Báo Đất Việt