Những người sống sót trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào trở về nhà trên con đường ngập nước và bùn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Bà Phorn, 68 tuổi, sống cùng con gái, con rể và hai cháu ở làng Tha Saengchan, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào, một trong những nơi chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất sau vụ vỡ đập phụ của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tối 23/7, theo CNA.
Khi nước lũ ào ạt tràn vào làng, bà cùng gia đình con gái trèo lên mái nhà nhưng rồi họ nhanh chóng bị cuốn vào dòng nước lũ đục ngầu, hung dữ. "Chúng tôi trèo lên mái nhà nhưng những đợt sóng mạnh cứ xô vào người và đẩy chúng tôi trôi xa", Chansamai Kaeviengxa, con gái bà Phorn, lau nước mắt nói.
Cả gia đình 5 người may mắn bám được vào một thân cây và trụ ở đó suốt hơn 10 giờ trước khi được giải cứu.
"Một tay tôi ôm con gái, tay kia bám chặt cành cây. Con bé nằm ngửa, miệng mở to, thở hổn hển. Nó nói với tôi rằng nó sẽ chết vì không thể trụ được nữa và cầu xin tôi hãy buông nó ra. Con trai tôi khi đó đang bám vào một cành cây cũng nói rằng nó đuối sức lắm rồi và muốn chết", người phụ nữ 35 tuổi nhớ lại.
Đối với Chansamai, khoảnh khắc đáng sợ và tuyệt vọng ấy dường như kéo dài mãi mãi. Dù sống sót nhưng gia đình họ đã mất tất cả, gia súc, máy kéo và đất nông nghiệp. "Chúng tôi không còn gì, hoàn toàn không còn gì nữa", cô nói.
"Hoàn toàn không có cảnh báo nào. Tôi không còn gì ngoài mạng sống. Nước đã cuốn sạch mọi thứ", bà Phorn chia sẻ bằng giọng run rẩy.
"Tôi rất lấy làm tiếc cho những người dân nơi đây", Trairat Horasap, 31 tuổi, người từng tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang và giờ đang tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn sau vụ vỡ đập ở Lào, cho biết.
Trẻ em giúp cha mẹ dọn dẹp những gì còn sót lại trong ngôi nhà sau trận lũ kinh hoàng. Ảnh: Thành Nguyễn. |
"Trận lũ cùng với bùn đến vào ban đêm và cùng lúc cuốn sạch mọi thứ. Hầu hết dân làng không có sự chuẩn bị. Thiệt hại lớn vô cùng", nhân viên cứu hộ người Thái Lan chia sẻ thêm.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Sanamxay chìm trong một biển bùn, nơi những người sống sót mệt mỏi tụ tập cùng nhau trên mái nhà hoặc cành cây, tuyệt vọng bám víu với cuộc sống. Bên dưới họ là dòng nước đục ngầu và thi thể của những người không kịp chạy thoát.
"Mực nước dâng cao đến 6 m và bùn ở khắp mọi nơi. Ở một số khu vực, bùn lên đến eo tôi. Thực sự rất khó khăn cho chúng tôi khi tiếp cận những ngôi làng bị ảnh hưởng", Trairat nói.
Nếu chiến dịch giải cứu ở Thái Lan mà anh tham gia kết thúc bằng những nụ cười hạnh phúc thì ở Lào, nụ cười có chăng cũng chỉ xuất hiện hiếm hoi trên gương mặt trẻ con bởi chúng còn quá bé để nhận thức được mức độ nghiêm trọng của thiệt hại. Chỉ qua một đêm, hàng nghìn người đã mất nhà cửa, ruộng đất, kế sinh nhai duy nhất giúp họ đương đầu với cái nghèo.
Mỗi buổi sáng, Trairat cùng 46 nhân viên cứu hộ từ Quỹ Por Teck Tung, Thái Lan tới những khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm người sống sót. Trong một bức ảnh do CNA đăng tải, thi thể một phụ nữ nằm lẫn trong bùn, bên cạnh là đứa con gái bé nhỏ đang nhìn chằm chằm vào cơ thể bất động của mẹ.
"Hôm 30/7, chúng tôi đã tìm thêm được thi thể một đứa bé. Những người lính Lào đang ở các khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm người mất tích, người sống sót hay đã chết, đánh dấu từng ngôi nhà mà họ đã kiểm tra", Trirat cho biết.
Mặc dù hơn 6.600 người được an toàn trong nơi trú ẩn, một số vẫn còn bị mắc kẹt gần khu vực đập vỡ. Dựa trên báo cáo tình hình mới nhất của Liên Hợp Quốc, 16.256 người bị ảnh hưởng và 131 người bị mất tích sau vụ vỡ đập ở Lào. Truyền thông quốc tế khẳng định 27 người đã thiệt mạng nhưng cơ quan thông tấn Lào cho biết mới có 11 thi thể được tìm thấy.
Xác một con bò ngập trong nước lũ ở huyện Sanamxay. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Theo những nhân viên cứu hộ như Trairat, thiệt hại của trận lũ nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua ở Lào khiến cho tương lai của người dân ở những ngôi làng này trở nên ảm đạm.
"Một số sĩ quan quân đội và trưởng làng nói với tôi rằng có thể mất rất nhiều thời gian để khôi phục. Những ngôi làng này sắp được phát triển nhưng bây giờ chúng đã biến mất. Chúng tôi thậm chí cũng chẳng biết khi nào thì các làng, bản mới được khôi phục", Trairat nói.
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress