Ngành ngân hàng qua “thời khó”
Một báo cáo vừa được Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố sáng nay (27/6) cho thấy, trong suốt cả năm 2017 và nửa đầu năm 2018, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang nằm trong quá trình củng cố và ổn định, tập trung cho quá trình tái cơ cấu đặt trong toàn cảnh tái cơ cấu của nền kinh tế.
Các ngân hàng tập trung vào tái cơ cấu hệ thống quản lý và quản trị. Giai đoạn này, tin tức các ngân hàng tập trung vào việc tái cơ cấu nội bộ, sự thay đổi trong bộ máy quản lý, hay từ góc độ thanh tra giám sát ngân hàng.
Kết quả mã hóa dữ liệu ngân hàng trên các đầu báo có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2018 của Vietnam Report cho thấy, lượng thông tin tập trung tương đối nhiều về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong hệ thống các ngân hàng (chiếm 19,5%) và điều tra, thanh tra, xử lý các sai phạm (13%). Điều này cho thấy sự tăng cường về mặt quản lý, giám sát các sai phạm và điều chỉnh cơ cấu nội bộ ngân hàng.
Ngành ngân hàng đang đứng trước những bài toán mới trong thời đại công nghệ 4.0
|
Giai đoạn này cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu đã giảm tương đối mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 3/2018, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng trong năm 2017, tổng các khoản nợ xấu đã được xử lý là 115,54 nghìn tỷ đồng.
Điểm tích cực trong giai đoạn qua là các ngân hàng đã đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu đã bán cho VAMC. Các ngân hàng nằm trong Top 10 như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB Bank đã hoàn tất xử lý nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và VietinBank đã hoàn tất trong quý I/2018.
Cũng trong giai đoạn 2017 - 2018, nhiều ngân hàng đã đạt được tăng trưởng cao và ổn định. Thay vì tập trung vào bán buôn như trong giai đoạn trước, các ngân hàng hiện đang chạy đua sang mảng bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ và giảm độc canh tín dụng. Đây được cho là hướng đi đúng với các ngân hàng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của NHNN.
Trong năm 2018, ngành ngân hàng lạc quan với triển vọng tăng trưởng. 100% ngân hàng thương mại tham gia khảo sát tháng 5 vừa qua kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt trên 10%. Nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2018 hết sức tích cực trong các đại hội cổ đông, có ngân hàng dự định với mức tăng trưởng lên tới 40-65%.
Tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến
Tuy nhiên, Vietnam Report cũng cho rằng, các ngân hàng sẽ gặp một số thách thức nhất định trong thời gian tới. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất sẽ vẫn là những vấn đề tâm điểm các ngân hàng cần quan tâm trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng cao và chuyển đổi sang đối tượng khách hàng cá nhân thay vì bất động sản nên tăng trưởng được đánh giá là đỡ “nóng” và rủi ro. Thế nhưng, tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến trong khi đó độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp dẫn đến việc ngân hàng và các TCTD gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay.
Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh càng trở nên gay gắt, những ngân hàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn; chưa kể đến những quan ngại cho rằng tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, 87,5% chuyên giá đánh giá “sự trỗi dậy của các công ty Fintech hiện nay đang là thách thức với đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung”. Khó khăn lớn nhất trong sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech là vấn đề bảo mật thông tin. Khi ngân hàng và các công ty Fintech bắt tay hợp tác, khó khăn nằm ở sự đồng thuận để chia sẻ thuật toán giữa hai bên và làm sao để bảo vệ được thông tin dữ liệu ngân hàng đã xây dựng qua nhiều năm.
Về phía người tiêu dùng, phần lớn người dùng cũng đánh giá vấn đề bảo mật của ngân hàng là vấn đề cần quan tâm hàng đầu nhằm cải thiện uy tín của ngân hàng trên truyền thông; sau đó là gia tăng các tiện ích cung cấp cho khách hàng trên nền tảng công nghệ số và đồng bộ hóa các kênh giao dịch từ Internet Banking, Mobile Banking, ATM đến quầy giao dịch.
Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, đòi hỏi những lời giải kịp thời và sự nỗ lực “phi thường” của Nhà nước – báo cáo nhận định.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí