Một quán bar sôi động ở TP Vinh, Nghệ An trước thời điểm có dịch COVID-19 - Ảnh: DOÃN HÒA |
Tính đến sáng 6-4, Nghệ An có hơn 415.700 bệnh nhân COVID-19 - là địa phương đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.HCM về số bệnh nhân COVID-19. Trong đó, đến nay có hơn 375.700 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện và 173 người tử vong.
Thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Nghệ An đã mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động, trừ các loại hình kinh doanh như quán karaoke, bar, vũ trường, massage…
Thời điểm tháng 10-2021, khi dịch COVID-19 tạm thời được kiểm soát, Nghệ An đã cho mở cửa trở lại quán karaoke, bar, vũ trường, massage… Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2022, do dịch bùng phát trở lại, địa phương này lại yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh này.
Sau gần 2 năm đóng cửa và hoạt động gián đoạn để phòng chống dịch COVID-19 theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí karaoke, bar ở Nghệ An đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - chủ tịch Hiệp hội karaoke, bar Nghệ An - cho biết, do thời gian nghỉ dịch lâu đã ảnh hưởng rất lớn tình hình kinh tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hàng nghìn lao động mất việc làm, nếu như tiếp tục bị đóng cửa thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
Theo ông Tuấn, để xây dựng được một phòng karaoke, bar, doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỉ đồng, tạo công ăn việc làm, nộp bảo hiểm cho người lao động, nộp tiền thuê đất, tiền thuế cho nhà nước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã vay ngân hàng số tiền rất lớn để đầu tư.
"Hiện tại hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin, nhiều hoạt động kinh doanh tập trung khác cũng đã được hoạt động trở lại. Vì vậy, trong lĩnh vực kinh doanh này chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch của cơ quan y tế", ông Tuấn nói.
Ông Đặng Hữu Thuận - chủ một quán karaoke, bar trên đường Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh - cho hay, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh karaoke, bar là máy móc, thiết bị. Nếu lâu không sử dụng thiết bị sẽ hư hỏng, phòng ốc ẩm mốc. Chí phí để bảo dưỡng, bảo trì không hoạt động cũng rất lớn. Ngoài ra, hàng trăm nhân viên mất việc làm do quán không hoạt động.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, thông báo kết luận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tháng 4-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung giao Sở Y tế phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao xem xét cho phép các địa phương mở lại các hoạt động dịch vụ như karaoke, quán bar, vũ trường, massage... nếu đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.
Tác giả: Doãn Hòa
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ