Thế giới

Quân đội Indonesia tính bỏ bài kiểm tra trinh tiết gây tranh cãi

Một quan chức cấp cao của quân đội Indonesia ám chỉ rằng lực lượng này có thể sẽ bỏ bài kiểm tra trinh tiết đối với phụ nữ trước khi tham gia quân đội - một quy trình gây tranh cãi nhiều năm qua.

Một ứng viên nữ được kiểm tra sức khỏe khi đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang Indonesia (Ảnh: AFP).

Guardian đưa tin, trong một cuộc họp trực tuyến với các chỉ huy quân sự hồi tháng trước, Tham mưu trưởng lực lượng lục quân Indonesia Andika Perkasa phát đi tín hiệu cho thấy sự kết thúc của bài kiểm tra trinh tiết - quy trình đã có từ hàng chục năm qua.

Ông Perkasa nhấn mạnh rằng phụ nữ sẽ sớm được tuyển chọn theo các quy trình như nam giới để gia nhập quân đội. Ông cho hay, giờ đây những tân binh sẽ được tuyển chọn dựa trên năng lực bắt kịp quy trình đào tạo của quân đội.

"Sẽ không còn những bài kiểm tra (y khoa) nằm ngoài mục đích đó. Có những thứ giờ không còn phù hợp nữa và chúng ta không thể làm những bài kiểm tra như vậy nữa. Chúng ta phải có những bài kiểm tra tương đương để tuyển chọn nam và nữ tân binh", ông Persaka cho biết.

Bài kiểm tra trinh tiết thường được biết tới ở Indonesia với cái tên "bài kiểm tra bằng 2 ngón tay". Trong quá trình thực hiện quy trình này, các bác sĩ sẽ dùng tay để kiểm tra vùng kín của phụ nữ để xem họ đã quan hệ tình dục hay chưa. Những người không vượt qua được bài kiểm tra sẽ bị loại, không được gia nhập quân đội.

Ngoài ra, bài kiểm tra trinh tiết cũng thỉnh thoảng được thực hiện với hôn thê của các sĩ quan quân đội Indonesia.

Bài kiểm tra này từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi khi nhiều tổ chức cho rằng nó hoàn toàn không có cơ sở khoa học và có tính chất phân biệt giới tính đối với phụ nữ. Trước phát biểu của ông Perkasa, đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền Andreas Harsono cho rằng, quân đội Indonesia đã làm điều đúng đắn.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các bài kiểm tra trinh tiết là "không có tính khoa học, gây hại và vi phạm quyền của phụ nữ" vì nó sẽ mang lại những hậu quả ngay lập tức và lâu dài tới sức khỏe thể chất, tâm lý của những người phải trải qua bài kiểm tra này.

Nhiều phụ nữ Indonesia bày tỏ sự ủng hộ trước phát ngôn từ ông Perkasa. Một người tự xưng là Anindi, người từng đối mặt với bài kiểm tra trinh tiết vào 23 năm trước khi mới 18 tuổi, nhớ lại sự thất vọng mà cô phải đối mặt khi bị từ chối không cho gia nhập lực lượng hải quân dù đạt được điểm rất cao từ các bài kiểm tra khác.

"Sẽ là bước đột phá nếu họ chấm dứt bài kiểm tra này, dù chỉ là đối với lực lượng lục quân. Vì nó xâm phạm tới phụ nữ", Anindi nói, mô tả lại trải nghiệm từng gặp phải.

"Tôi đã bảo bác sĩ dừng lại (trước khi bài kiểm tra diễn ra) và nói rằng tôi không còn là trinh nữ. Tôi làm vậy không phải vì tôi sợ bác sĩ sẽ phát hiện ra tôi không còn trinh tiết mà vì tôi cảm thấy không thoải mái với quy trình đó. Đó là cái giá ám ảnh mà nữ giới phải trả để có thể gia nhập quân đội", Anindi cho biết.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP