Trong nước

Quốc hội muốn sỹ quan quân đội, công an cũng phải kê khai tài sản

Chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), UB Thường vụ Quốc hội quyết định mở rộng quy định về các đối tượng phải kê khai tài sản lần đầu gồm cả sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.

Bản dự thảo mới nhất được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay, 6/9.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội

Kê khai lần đầu để theo dõi biến động tài sản

Nói về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về biện pháp kê khai tài sản, nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.

Một số vị đại biểu đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Theo đó, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...

Đồng thời, dự thảo luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...

Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong phòng chống tham nhũng.

Bà Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.

Lập cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ dễ gây quá tải

Vấn đề cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng được đề cập trong báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Một số vị khác tán thành với phương án 1 của dự thảo luật, giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

UB Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức, thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.

Để khắc phục những hạn chế này thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Nếu theo phương án 1 của dự thảo Luật do Chính phủ trình, giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản thu nhập, hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo luật đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Do đó, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP