Trong đơn thư, người dân xóm Đột Tân (xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) phản ánh về việc nhà máy chế biến bột đá trắng siêu mịn của Công ty cổ phần khoáng sản Đông Á gây ô nhiễm bụi bặm tiếng ồn ảnh đường đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Từ đường Quốc lộ 48 đi vào khoảng hơn 500m, ngay tại cổng chào “làng văn hóa” xóm Đột Tân là một nhà máy lớn chuyên chế biến bột đá trắng siêu mịn. Được biết nhà máy này là của Công ty cổ phần khoáng sản Đông Á EAMC (có trụ sở tại xóm Đột Tân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) do ông Hoàng Văn Thái làm người đại diện theo pháp luật.
Đơn thư của người dân về phản ánh về tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ nhà máy chế biến bột đá trắng |
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khuôn viên nhà máy chứa hàng nghìn m3 đá hộc màu trắng, tiếng máy móc hoạt động ầm ầm, đứng cách xa gần 1km vẫn nghe rõ. Bên cạnh đó, bụi bặm bay mù mịt, đoạn đường vào nhà máy xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Dương, ông Cảnh Tuấn Vinh, ông Đặng Sĩ Hà, cư trú tại xóm Đột Tân đều cho biết, nhà máy này hoạt động cả ngày lẫn đêm, tiếng máy móc do quá trình nghiền đá gây tiếng ồn lớn, nhiều đêm trẻ con đang ngủ cũng bị giật mình tỉnh giấc khóc thét. Tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn, bụi bay mù mịt vào nhà các hộ dân xung quanh, nhất là những ngày nắng nóng. Đoạn đường từ ngoài vào trước đây do nhân dân đóng góp xây dựng nên, nhưng nay do các xe có tải trọng lớn ra vào nhà máy nên giờ đã hư hỏng nặng. Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
Ông Trương Văn Hương (trú tại Xóm Mo, xã Nghĩa Xuân) cũng cho biết, “tiếng động gây ra bởi nhà máy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của bà con nơi đây. Bụi bay mù mịt nhiều khi phủ trắng cả nhà, đồ dùng sinh hoạt, vườn tược, cây cối, nhất là các hộ sống gần nhà máy như nhà gia đình ông”.
Nhà máy chế biến bột đá trắng siêu mịn của Công ty cổ phần khoáng sản Đông Á |
Điều đáng nói ở đây là nhà máy này tồn tại giữa một khu dân cư đã được công nhận là “làng văn hóa”, cạnh đó là Trường tiểu học Nghĩa Xuân II, phân hiệu 2. Việc này đã gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với các hộ dân xung quang mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của các cháu học sinh nơi này.
Ông Trương Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết, thực tế nhà máy này đã có từ nhiều năm qua, đến nay đã qua nhiều đời chủ, bản thân ông cũng chỉ biết hiện nhà máy do một người đàn ông tên Nhã phụ trách. Ông cũng khẳng định việc người dân nêu trong đơn thư là có thật.
Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản về các vi phạm trong hoạt động sản xuất của công ty này cũng như việc xử phạt hành chính, kiến nghị lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền xử phạt hay chưa thì ông nói chưa.
Khi chúng tôi yêu cầu được xem hồ sơ của nhà máy này thì UBND xã chỉ đưa ra được bộ hồ sơ quan trắc được ký kết giữa Công ty cổ phần Đông A và Công ty TNHH MTV kỹ thuật tài nguyên môi trường ký năm 2015; một Biên bản cam kết giữa công ty cổ phần khoáng sản Đông A và UBND xã Nghĩa Xuân về việc “cho công ty này sử dụng tuyến đường từ nhà máy ra Quốc lộ 48”. Ngay cả biên bản này cũng không ghi cụ thể ngày tháng mà hai bên ký kết là vào thời gian nào. Ngoài ra UBND xã không đưa ra được văn bản, giấy tờ nào khác.
Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh việc nhà máy chế biến bột đá trắng siêu mịn vi phạm qui định bảo vệ môi trường như người dân phản ánh.
Tác giả: Tuấn Anh – L.Q
Nguồn tin: Báo Thương hiệu & Công luận