Giáo dục

Quy trình biên soạn, xuất bản sách giáo khoa

Trước khi được phát hành khắp cả nước, sách giáo khoa được in thí điểm, dạy ở một số vùng miền trong 2 năm, sau đó chỉnh sửa, hoàn thiện.

Luật Giáo dục quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực hiện Nghị quyết số 40 (năm 2000) của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay.

Để tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành bộ sách giáo khoa hiện hành, Bộ Giáo dục đã quyết định danh sách chủ biên, tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; quyết định thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và tổ chức thẩm định sách giáo khoa các môn học; giao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên tập, xuất bản, in và phát hành.

Học sinh đọc sách trong thư viện. Ảnh: Quỳnh Trang.

Các bước biên soạn, phát hành sách giáo khoa

Bước đầu tiên trong quy trình là Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sau đó sẽ tổ chức biên tập qua nhiều vòng, từ biên tập minh họa, thiết kế, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo.

Sau khi bản thảo mẫu được hoàn thiện và Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, lãnh đạo Bộ phê duyệt, nhà xuất bản sẽ in sách giáo khoa thí điểm. Sách này được dùng để dạy thí điểm ở một số trường trên các vùng miền trong 2 năm. Sau khi lấy ý kiến góp ý từ các trường dạy thí điểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân, sách giáo khoa thí điểm được hoàn thiện.

Hội đồng quốc gia sẽ thẩm định sách giáo khoa thí điểm theo 2-3 vòng. Các tác giả phối hợp với biên tập viên, họa sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện sau thẩm định rồi in thử sách giáo khoa để tập huấn giáo viên và gửi đọc góp ý của các Sở Giáo dục, Viện nghiên cứu, nhà khoa học... Bộ sách hoàn thiện sau bước này sẽ được trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua và trình Bộ trưởng phê duyệt.

Khi lãnh đạo Bộ Giáo dục duyệt và ký ban hành chính thức sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nhận nhiệm vụ và tiến hành khâu cuối cùng trong quy trình là in, phát hành.

Theo quy trình, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng ký ban hành, sách giáo khoa không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ Giáo dục phê duyệt. Bất kỳ chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét và Bộ trưởng quyết định. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được quyền tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm nội dung của sách giáo khoa.

Trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong sách giáo khoa một số môn học, Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.

Ví dụ, năm 2006 các nhà khoa học xác định Diêm Vương tinh không được xem là một hành tinh, nên sách giáo khoa Vật lý đã điều chỉnh. Năm 2008, Chính phủ điều chỉnh mở rộng địa giới Hà Nội bao gồm cả tỉnh Hà Tây nên sách giáo khoa Địa lý phải viết lại bài Thủ đô Hà Nội. Tất cả điều chỉnh này đều được Hội đồng quốc gia thẩm định xem xét thông qua và Bộ Giáo dục phê duyệt.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ sở hữu. Chức năng chính của nhà xuất bản là tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao dân trí, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo khoa..., xuất bản phẩm điện tử. Đơn vị đồng thời sản xuất, cung ứng thiết bị giáo dục và đồ dùng dạy học.

60 năm từ khi thành lập (năm 1957) đến năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản sách giáo khoa. Mỗi năm, đơn vị này xuất bản hơn 100 triệu bản để phục vụ nhu cầu người học. Số tiền phụ huynh, học sinh phải bỏ ra để mua số sách giáo khoa này khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách giáo khoa lại có phần bài tập để học sinh có thể trả lời vào luôn và thực tế nhiều học sinh đã làm vậy, khiến sách không thể sử dụng lại, gây lãng phí.

Dư luận do đó bức xúc, đặt nghi vấn có lợi ích nhóm trong việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Cuộc cạnh tranh thị phần sách giáo khoa - sản phẩm độc quyền 60 năm qua của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với các nhà xuất bản khác, khi thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa cũng được công chúng đặc biệt quan tâm.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP