![]() |
|
Những ngày qua, tại con kênh N2 ở xã Minh Châu, tỉnh Nghệ An, người dân không khỏi lo lắng khi chứng kiến xác những con lợn trong quá trình phân hủy đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
![]() |
Những con lợn chết tại kênh mương đang khiến người dân lo sợ. Ảnh NDCC. |
Chị Lê Ngân, người dân xã Minh Châu, cho hay: "Kênh N2 là nơi dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Thế nhưng, thời gian gần đây có những con lợn đã chết bị vứt xuống kênh. Trong đó, có nhiều con đang bị phân hủy, bốc mùi hôi thối".
Theo UBND xã Minh Châu, chỉ trong tuần qua, địa phương đã tiếp nhận và xử lý 3 đợt xác lợn trôi nổi, mỗi đợt từ 1-2 con. Hiện xã Minh Châu đang tiến hành khảo sát, lắp các lưới chắn tại dòng kênh này để ngăn tình trạng xác động vật trôi qua.
"Những con lợn này đều bị phân hủy nặng, không thể xác định được nguồn gốc, xã tiến hành thu gom và tiêu hủy khẩn cấp bằng cách đào hố chôn sâu, kết hợp rắc vôi, hóa chất để tránh phát tán mầm bệnh", ông Lê Thế Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu nói.
![]() |
Tình trạng này không chỉ làm ô nhiễm môi trường, mà có nguy cơ lây lan dịch tả lợn. Ảnh NDCC. |
Tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường đang xuất hiện tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Đơn cử như dọc tuyến sông Vinh, ven sông Lam, hay tại kênh Lê Xuân Đào,… người dân cũng từng nhiều lần phát hiện xác lợn chết trôi nổi, bị vứt bỏ bừa bãi xuống dòng sông.
Điều đáng nói là việc xử lý dứt điểm tình trạng này gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, quá trình xử lý cũng không dễ dàng do số lợn chết đã phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối. Việc tìm kiếm địa điểm chôn lấp để đảm bảo hợp vệ sinh cũng là trở ngại lớn, bởi không thể chôn trong khu dân cư hay đất vườn mà phải tìm quỹ đất xa để tránh lây lan mầm bệnh.
![]() |
Hiện nay, nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An đang tiến hành lập chốt để ngăn chặn việc đưa lợn dịch ra khỏi địa bàn. Ảnh NDCC. |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hơn 1.296 con lợn, tổng trọng lượng vượt 54 tấn. Các địa phương có dịch chủ yếu là các xã: Anh Sơn, Đại Đồng, Tân Kỳ, Yên Xuân...
Theo đánh giá, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ tự phát, vận chuyển thiếu kiểm soát, cùng tâm lý giấu dịch… là những nguyên nhân chính khiến dịch dễ bùng phát. Đặc biệt, thời tiết mưa nắng thất thường làm suy giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan nhanh.
![]() |
Cơ quan chức năng yêu cầu người dân tiêu huỷ lợn dịch theo đúng quy định, không được vứt ra môi trường. Ảnh NDCC. |
Về việc này, ông Trần Võ Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo, khi phát hiện lợn có biểu hiện nghi mắc bệnh, cần báo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y xã hoặc công chức phụ trách nông nghiệp.
Tuyệt đối không được tự ý tiêu hủy, vứt xác lợn chết ra môi trường. Việc tiêu hủy phải có sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong thời gian có dịch. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm, có thể bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả lớn.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn