Tin trong tỉnh

Rạng ngời “mắt biển“

Giữa biển khơi, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Mắt hăng hái rèn luyện, thi đua tăng gia, chắc tay súng ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, xứng danh là những người lính Cụ Hồ nơi đảo xa.

Đối với chúng tôi, những người lần đầu tiên được đi đảo, thì mường tượng về đảo là nơi biệt lập, hoang vu, chỉ có cát, sỏi với cái nắng cháy da, gió Lào rát mặt. Ấy vậy mà sau hơn một giờ đồng hồ chòng chành lướt trên những con sóng, khi con tàu BP 06-19-01 vừa thông báo chuẩn bị thả neo ở đảo Mắt là chúng tôi háo hức chạy ra boong để được tận mắt ngắm đảo.

Trong buổi chiều tà, đảo Mắt sừng sững, vững chãi giữa trùng khơi. Tàu cập cầu cảng, chúng tôi được chào đón bởi những cái bắt tay thặt chặt, nụ cười nồng đượm của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Khu vực cầu cảng vẫn còn nắng gắt, nhưng trên con đường dẫn vào đơn vị Tiểu đoàn Hỗn hợp của đảo rợp bóng mát bởi những tán cây bàng, sung, dừa; những cây đa cổ thụ rắn rỏi, rễ ôm chặt lấy từng khối đá.

Đoàn công tác thăm cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt. Ảnh: Mỹ Nga

Sức sống xanh nơi đây còn thể hiện qua hoạt động tăng gia sản xuất trong những khu vườn được dựng bằng ván gỗ, bên trong phong phú các loại cải xanh, dền đỏ, mồng tơi… Thiếu úy chuyên nghiệp Vũ Quốc Quý (bộ phận thông tin) cho biết: “Bên cạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nêu gương cần kiệm, mùa nào thức nấy, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều có kế hoạch tăng gia sản xuất, trồng, chăm sóc cây xanh, các loại rau, củ quả, nuôi gia súc, gia cầm hàng chục con, và xem đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng”.

Với những người lính đảo, hình ảnh Bác Hồ vô cùng thân thương và gần gũi. Những nội dung được Tiểu đoàn chọn làm trọng tâm học tập theo gương Bác được gói gọn trong hai chữ “cần, kiệm”. Nói về điều này, Đại úy Hoàng Trường Minh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mắt cho rằng: “Do công tác ở biển, đảo tiền tiêu, biệt lập với đất liền nên vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong thực hiện nhiệm vụ được giao lẫn trong sinh hoạt hàng ngày, hai yếu tố “cần” và ‘kiệm” thật sự rất quan trọng. “Cần” ở đây là chăm chỉ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cần cù trong lao động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, tích cực học tập nâng cao kiến thức. “Kiệm” ở đây là sử dụng hiệu quả các máy móc, thiết bị hiện có, tiết kiệm nước ngọt trong sinh hoạt”.

Tuy công tác xa đất liền nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt luôn coi việc học tập và làm theo lời Bác là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại đây Đảng ủy thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để truyền đạt tới cán bộ, chiến sỹ những nội dung hành động cụ thể trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Từ đó nêu cao tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngày, hàng tuần, Tiểu đoàn duy trì đều đặn việc xem thời sự, đọc sách báo, sinh hoạt văn nghệ, thể thao.

Cán bộ và chiến sỹ đảo Mắt đồng cam, cộng khổ, sẻ chia nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, động viên nhau rèn luyện trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, gian khổ. Những người đồng chí, đồng đội cùng chung sống, học tập, thi đua, rèn luyện cùng nhau. Binh nhất Võ Văn Giáp (quê ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo với những lo lắng, bởi là một người con của núi rừng, chưa bao giờ được biết đến biển, đảo. Song, bỏ lại sau lưng những bỡ ngỡ, anh đã cùng với đồng đội, đồng chí ra sức, quyết tâm rèn luyện ý chí, thể lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao: “Là người lính đảo, và là đoàn viên, thanh niên, chúng tôi luôn nêu cao, giữ vững bản lĩnh chính trị, chấp hành kỷ luật do đơn vị đề ra, đề cao tinh thần, nghĩa vụ, giữ vững chủ quyền, biển đảo thiêng liêng, phấn đấu xứng danh người chiến sỹ đơn vị đảo Mắt anh hùng”.

Nhiều loài hoa khoe sắc trên Đảo Mắt. Ảnh: Mỹ Nga

Học tập và làm theo lời Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ tại Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mắt không chỉ ra sức rèn luyện, tu dưỡng, tăng gia sản xuất, mà còn trở thành những chiến sỹ “dân vận khéo”, xây dựng hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ giữa biển khơi, gần dân, hiểu dân. Đảo Mắt không chỉ là vị trí chiến lược quan trọng, mà đối với ngư dân, đảo còn là “điểm tựa” giữa trùng khơi mỗi khi biển động, giông tố.

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Giang (Phòng Quân y) chia sẻ: “Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã giúp đỡ, cứu chữa cho hàng chục ngư dân ốm đau, gặp nạn trên biển, chỉ luồng lạch cho tàu thuyền neo đậu an toàn trú mưa, bão, sẵn sàng “sản sẻ” thực phẩm, nước ngọt khi các tàu có nhu cầu”.

Bộ đội Đảo Mắt thường xuyên tuần tra canh giữ biển trời. Ảnh: Mỹ Nga

Bên cạnh đó, đồng hành cùng với ngư dân, hàng năm đơn vị trao tặng hàng trăm lá cờ Tổ quốc mới cho ngư dân. Đại úy Hoàng Trường Minh – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mắt khẳng định: “Đây là hoạt động mang ý nghĩa tinh thần to lớn, tăng cường mối đoàn kết quân dân, qua đó, động viên bà con ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, tăng cường khai thác hải sản, đồng thời tạo nên những “cột mốc sống” góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương”.

Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt “Làm theo lời Bác – thi đua giành 4 nhất”, kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mắt đã quán triệt đến từng cán bộ, chiến sỹ, thấm nhuần và ra sức giành nhiều kết quả tích cực. Để triển khai phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, Đảng ủy tiểu đoàn xác định hai nội dung đột phá: công tác huấn luyện sẵn sàng, nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật.

Đại úy Hoàng Trường Minh phấn khởi chia sẻ: “Không khí thi đua diễn ra sôi nổi đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ thực sự thấm nhuần, nhận thức sâu sắc về học tập và làm theo Bác, từ đó lan tỏa, phát huy vai trò, trách nhiệm, đề cao ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm, trách nhiệm, tự giác rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Nhờ đó, trong 6 tháng thi đua đầu năm 2018, Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mắt được Bộ CHQS tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, đạt một số thành tích như: giải Nhất hội thao môn dụng cụ, giải Nhất hội thao điều lệnh cá nhân.

Như thế, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt đã sống và học tập theo lời Bác dạy bằng những công việc cụ thể, thiết thực. Lời Bác dạy mãi mãi khắc ghi, tiếp thêm sức mạnh trụ vững giữa bao la biển khơi, thực sự trở thành “mắt biển” canh giữ biển trời quê hương.

Lần đầu tiên đặt chân đến Đảo Mắt, chứng kiến cuộc sống nơi đảo xa, không khỏi xúc động, Lương Thùy Dung (sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An) chia sẻ: “Cảm xúc của em là sự hào hứng, trân trọng và khâm phục về sức sống mãnh liệt của những người lính đảo vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để luôn lạc quan, yêu đời, thể hiện tình yêu quê hương đất nước trong từng việc làm, từng nỗ lực phấn đấu, luôn vững chắc tay súng, xây dựng, giữ vững và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

Khi tàu rời Đảo Mắt, hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ xếp hàng chỉnh tề, vẫy tay tạm biệt dần xa sau từng đợt sóng, thì dấu ấn về những người trẻ hôm nay nơi biển đảo yêu dấu của quê hương lại càng trở nên sâu đậm trong tình cảm, trong suy nghĩ của mỗi chúng tôi. Khép lại một hành trình thăm biển đảo, nhưng đã khai mở trong lòng mỗi chúng tôi niềm tin mãnh liệt về những cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm không ngại khó khăn để vì sự bình yên của quê hương, đất nước.

Đảo Mắt thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cách đất liền 24km. Với độ cao 218 m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên 2,2km2, đảo Mắt có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng – an ninh của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

Cách đây 53 năm, ngày 31/3/1963, Đại đội 32 của Sư đoàn 324 đã có mặt tại đảo Mắt để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Trên đảo hiện có nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh giữ đảo và bảng ghi truyền thống về một thời oanh liệt của Đại đội 32: đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu dương hạm, 1 tàu biệt kích, đánh giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn… Năm 1973, đảo vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Tác giả: Mỹ Nga

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP