Robot chiến đấu Uran-9 của quân đội Nga (Ảnh: Sputnik) |
Các chuyên gia thuộc viện Nghiên cứu Trung ương số 3 thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã công bố báo cáo trong đó chỉ rõ cuộc thử nghiệm robot chiến đấu Uran-9 tại Syria cho thấy vũ khí này còn gặp rất nhiều lỗi gây ảnh hưởng tới quá trình vận hành trên chiến trường.
Uran-9 UGV là một xe bọc thép chiến đấu không người lái hiện đại do Nga sản xuất. Uran-9 được thiết kế nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ hỏa lực từ xa cho các đơn vị chống khủng bố, trinh sát và quân sự trong chiến trường đô thị.
Bản báo cáo đã nêu rõ một danh sách những khiếm khuyết và lỗi kỹ thuật khiến cho Uran-9 thể hiện nghèo nàn tại Syria. Đầu tiên, trong môi trường đô thị, Uran-9 không thể vận hành trơn tru theo đúng thiết kế ban đầu. Cụ thể, vũ khí này chỉ có thể vận hành khi người điều khiển đứng cách nó khoảng 300-500 m trong điều kiện địa hình hoạt động là các tòa nhà thấp tầng. Kết quả thực tế cho thấy đã có khoảng 17 lần Uran-9 mất kết nối trong vòng 1 phút và 2 lần vũ khí này mất kết nổi trong vòng 1,5 giờ đồng hồ.
Ngoài ra, các bộ phận khác cũng bộc lộ sự thiếu chắc chắn trong quá trình thực chiến. Khung gầm của Uran-9 gặp khó khăn khi tác chiến ở khoảng cách sát mặt đất trong thời gian dài và dễ bị hỏng hóc.
Mặt khác, khi nghiên cứu khả năng trinh sát, tổ hợp kính quang điện tử OSN-4 có tầm quét rất hạn chế, chỉ có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách dưới 2 km. Hơn nữa, OSN-4 không thể nhận dạng được kính ngắm và tổ hợp mục tiêu của đối phương
Thêm vào đó, phần vũ khí của Uran-9, pháo tự động 2A72 thể hiện khả năng hoạt động thiếu ổn định với 6 trường hợp bắn chậm và bắn hỏng. Uran-9 chỉ có thể bắn chính xác vào mục tiêu khi đứng yên do các hệ thống định vị, trinh sát hoạt động thiếu ổn định.
Từ những nguyên nhân trên, báo cáo kết luận rằng Uran-9 không đủ điều kiện để có thể tham chiến vào thời điểm hiện tại.
Trước đó, Uran-9 từng được coi là niềm hy vọng của quân đội Nga khi được trang bị một pháo tự động 2A72 30mm, một súng máy đồng trục 7,62mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka và 6 tên lửa đất đối không và được điều khiển thông qua một trung tâm chỉ huy di động với hệ thống điều khiển theo thời gian, hệ thống cảnh bảo sớm, hệ thống nhận dạng và phát hiện mục tiêu. Tuy nhiên, với màn thể hiện chưa ấn tượng khi thực chiến ở Syria, tương lai của vũ khí này dường như trở nên không rõ ràng trong chiến lược của quân đội Nga.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí