Pháp luật

Rùng mình với sự thiếu trách nhiệm trong vụ 8 người tử vong khi chạy thận ở BVĐK Hòa Bình

Không nghiệm thu, không kiểm tra hệ thống nước trước khi sử dụng. Sự thiếu trách nhiệm khiến người ta phải rùng mình đã diễn ra ở BVĐK Hòa Bình, khiến 8 người đang chạy thận phải tử vong.

Những thông tin này đã được 'tiết lộ' qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình.

3 bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc - giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, bị truy tố về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn (SN 1990), cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình; và Hoàng Công Lương (SN 1986), bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Là người đầu tiên trả lời phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) cho biết:Bị cáo không học chuyên ngành lọc nước nhưng đã có hơn 12 năm kinh nghiệm đi lắp hệ thống lọc nước cho các bệnh viện trên cả nước. Theo lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, khi còn là nhân viên của Công ty Thiên Sơn, anh đã nhiều lần thay thế thiết bị hệ thống lọc nước cho BVĐK Hoà Bình.

Sáng 28/5/2017, bị cáo Quốc đến BVĐK Hoà Bình, được Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) hướng dẫn làm những công việc ghi theo hợp đồng của công ty Thiên Sơn và bệnh viện. Trong ngày hôm đó, Quốc sửa chữa, thay thế xong thiết bị nhưng chưa hoàn thành các công việc như hợp đồng. Trước khi ra về, Quốc gọi điện cho Sơn nói mới thay thế xong, sáng mai mới vào lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

7h30p sáng hôm sau, Quốc đến bệnh viện đã thấy máy chạy thận hoạt động và được chi Hằng thông báo rằng “không thấy ai nói gì”. Quốc liền ra gọi điện cho Sơn và quay lại thì thấy các bệnh nhân đồng loạt nôn mửa.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Quốc thừa nhận, lỗi "không ngăn cản bệnh viện và cán bộ phòng vật tư vận hành chạy máy" và chia sẻ "đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nên rất hối hận”.

Bị cáo Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư)cũng thừa nhận sự thiếu trách nhiệm của mình để xẩy ra sự cố đáng tiếc này. Bị cáo cho biết, anh có trách nhiệm trực tiếp xem Quốc thay thế, sửa chữa các thiết bị cho các máy lọc nước. Tuy nhiên ngày 28/5, anh đã bỏ về nhà và “không quay lại bệnh viện”.

Về việc xét nghiệm mẫu nước để hoàn tất việc sửa chữa, Sơn cho biết, sáng 29/5, khi xuống đơn nguyên thận nhân tạo định cùng Quốc lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống lọc nước RO số 2 đã chạy.

Sơn khai không biết quy định bắt buộc phải lấy mẫu nước sau khi sửa chữa. Từ trước đến nay, đơn nguyên thận nhân tạo vẫn vận hành hệ thống ngay sau khi sục rửa.

Sáng 29/5, bị cáo này xuống đơn nguyên thận nhân tạo lấy mẫu nước xét nghiệm thì thấy hệ thống đã vận hành. Sơn và Quốc thống nhất lùi thời gian lấy mẫu nước đến trưa cùng ngày. Nhưng ít phút sau, 18 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc.

Về phần bị cáo Hoàng Công Lương, bị cáo Lương cho rằng bản thân không có trách nhiệm đối với hệ thống lọc nước. Tình trạng thiết bị y tế hỏng hóc thuộc về trách nhiệm của phòng vật tư y tế. Máy móc do phòng vật tư quản lý còn đơn nguyên thận nhân tạo chỉ sử dụng. Điều dưỡng viên trực trong ngày sẽ chịu trách nhiệm nhận bàn giao thiết bị y tế.

Bị cáo Lương cũng cho biết: Ngày 29/5, chị Điệp (điều dưỡng viên đơn nguyên thận nhân tạo) trực nên nhận trách nhiệm bàn giao. Sáng 29/5, chị Điệp thông báo đã sửa chữa xong và đã nhận bàn giao. Về nhận bàn giao theo thủ tục hành chính phải là điều dưỡng hành chính của đơn nguyên thận nhân tạo. Trách nhiệm này thuộc về điều dưỡng viên hành chính.

Tác giả: Nhật Thanh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP