Cuộc sống

Sai lầm khi biến con thành những vị “hoàng đế không ngai”

Có thể nói, thái độ chăm sóc con thái quá, nuông chiều con không giới hạn… đã biến con thành những vị “hoàng đế không ngai” trong chính gia đình.

Các “Hoàng đế” lên ngôi như thế nào ?

Đã từ lâu, chúng ta nhận thấy rằng đa phần các bé là con một thường có những vấn đề về tâm lý và hành vi. Điều này thường xuất phát từ cách nuôi dạy con của nhiều gia đình. Có thể nói, thái độ chăm sóc con thái quá, nuông chiều con không giới hạn… không chỉ có ở các gia đình con một mà khá phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Tất cả vì con và cho con vì họ nghĩ rằng, đời cha khổ nên không muốn con mình khổ… Suy nghĩ này chiếm ưu thế.

Thế nhưng sự cưng chiều đó sẽ trở thành một vấn đề với trẻ. Vì bé không có được sự chia sẻ, không có “đối thủ” để cạnh tranh trong nhà nên rất dễ trở thành “trung tâm của vũ trụ”. Khi chỉ có một mình, chúng muốn gì được nấy, có thể “sai khiến” mọi người trong nhà, thì ai có thể giữ được tính cách ôn hòa và biết điều?

Thậm chí, có nhiều bà mẹ từ việc thương con, chiều con đã dần đi đến thái độ “sợ con”, một lời nói, một yêu cầu của con là một “mệnh lệnh” phải thi hành! Với cách ứng xử như thế mà trẻ không trở nên độc đoán, ích kỷ và luôn đòi hỏi mới là lạ!

Nguy hiểm hơn, nếu bé được chiều chuộng, có quà bánh, tiền bạc rủng rỉnh mà không biết cách sử dụng thì sẽ trở thành một tay “đại ca đầu gấu” với một số kẻ xu nịnh xung quanh, để đi bắt nạt những bạn học. Hay ngược lại trẻ sẽ bị “đè bẹp” để trở thành một nạn nhân của sự đàn áp và trở nên căng thẳng, khủng hoảng tâm lý.

Cố chiều chuộng con sẽ khiến con trở nên ương bướng và lì lợm hơn (Ảnh minh họa).

Làm sao để giúp các con?

Vì vậy, nếu chỉ có một con, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý đến việc tạo ra các mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp và ứng xử phải phép cho đứa con của mình. Cần biết đến những giới hạn, và thúc đẩy hay khích lệ bé tham gia vào các hoạt động đội nhóm ngoài xã hội.

Hãy dám “buông tay” cho trẻ tham gia các hoạt động “lăn lộn” trải nghiệm với các kỹ năng làm việc nhóm, đi qua những “gian khổ” trong cuộc sống ngoài thiên nhiên. Nơi mà trẻ sẽ ý thức được các giá trị sống trong tinh thần tập thể, cùng làm, cùng chơi và biết xây dựng ý thức trách nhiệm cho bản thân.

Hiện nay, thay vì “hạn chế sinh sản” thì nhiều quốc gia đã ý thức được thảm họa lão hóa trên đất nước mình mà có những chính sách khuyến khích sinh con trong phạm vi cho phép.

Vì thế, việc hài hòa giữa tỷ lệ sinh sản và tử vong vẫn và sẽ là một bài toán khó tìm ra đáp án hợp lý, nhưng việc sinh từ 2 – 3 con sẽ là một điều kiện tốt đẹp giúp cho trẻ em được nuôi dưỡng và giáo dục một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Gia đình là nền tảng của xã hội, khi trẻ em lớn lên với một sự dạy dỗ, nuôi nấng hợp lý và hài hòa từ gia đình, thì sẽ trở thành những nhân tố tích cực cho sự phát triển của xã hội mai sau.

Tác giả: Lê Khanh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: tâm lý , trẻ con , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP