Trong sáng 1/11, Quốc hội dự kiến thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
|
Được biết, trong chỉ đạo phát đi chiều 29/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại Hội trường từ ngày 30/10 - 1/11/2019.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 vào ngày 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội, đồng bào về tình hình KT-XH và ngân sách Nhà nước năm nay và kế hoạch năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Theo Thủ tướng, kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.
Theo Báo cáo của Chính phủ, mục tiêu tổng quát cho năm 2020 gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Cùng với việc củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trước lo ngại diễn biến thương chiến Mỹ - Trung, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ các yếu tố tác động khiến xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, và ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng.
Một lo lắng khác cũng được cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu, là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, đạt hơn 102.300 doanh nghiệp đến hết tháng 9/2019, nhưng số lượng phá sản cũng tăng rất nhanh, hơn 54.420 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Vì thế, Uỷ ban Kinh tế trong quá trình thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ để có cái nhìn tổng quát hơn về thực trạng doanh nghiệp.
Trong quá trình thảo luận từ ngày 30/10 đến hết sáng 1/11, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 8 sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Tác giả: BBT
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp