Giáo dục

Sáng nay, Bộ GD&ĐT họp bàn quy chế tuyển sinh với các trường đại học

Sáng 8/5 Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng theo phương án thi tốt nghiệp THPT mới.

Tuyển sinh đại học liên tục đổi chiều

Ngày 21/4, hơn 900.000 học sinh lớp 12 cả nước bất ngờ khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là xét tốt nghiệp; các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh. Ngày 22/4, Thủ tướng đồng ý phê duyệt phương án thay đổi kỳ thi THPT 2020 của Bộ GD&ĐT.

Ngay lập tức nhiều trường đại học chủ động xây dựng, điều chỉnh phương án tuyển sinh mới phù hợp với thay đổi kỳ thi THPT mới.

Cùng ngày, Đại học Quốc gia Hà Nội phát đi thông báo sẽ triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng thay vì hoàn toàn sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.

Tương tự, Đại học Ngoại thương cùng quyết định phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh. Trước đó, ngày 14/4, trường này cũng từ thông tin, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch COVID-19 thì trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8/2020 với 8 môn thi.

Tuy nhiên, đến nay, cả 3 trường này đều thay đổi không tổ chức kỳ thi riêng, sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Lý giải về sự thay đổi này, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học cho biết, trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi THPT và xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kỳ thi trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nhà trường quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực.

Như vậy, sau 2 lần “đổi chiều” phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân năm nay về cơ bản không thay đổi, ổn định như năm 2019.

Hiện chỉ còn Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn đang giữ kế hoạch thi đánh giá năng lực dự kiến vào cuối tháng 6 và cuối tháng 8. Hơn 50 trường đại học, cao đẳng đăng ký lấy kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh.

Còn lại, nhiều trường đại học khác đang "án binh bất động” chờ quy chế tuyển sinh từ Bộ mới đưa ra quyết định cuối cùng về các phương án tuyển sinh 2020.

Bộ GD&ĐT bàn về quy chế tuyển sinh với các trường đại học, cao đẳng.

Dự thảo quy chế tuyển sinh gây khó

Đại diện một số trường đại học, cao đẳng cho rằng, họ không thể tổ chức thi riêng bởi dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ đại học trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non mà Bộ GD&ĐT đưa ra ngày 29/4 có nhiều điểm mới "siết chặt", đòi hỏi quá cao, chưa sát thực tế, khiến các trường không kịp xoay sở, khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Do đó, một số trường đại học từ bỏ luôn ý định tổ chức thi riêng như kế hoạch ban đầu.

Cụ thể, tại điều 12 của dự thảo nói về tổ chức thi riêng với các trường đại học, bao gồm thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực, hoặc hình thức thi khác, hay kết hợp một số hình thức thi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

Thứ nhất, có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá nội dung thi. Lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan và có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực khảo thí hoặc quản lý đào tạo.

Thứ hai, có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên. Trong đó, ít nhất 1 lãnh đạo của bộ phận chuyên trách đáp ứng yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của một trong các chuyên ngành đo lường, và đánh giá trong giáo dục hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành quản lý giáo dục và có 5 năm kinh nghiệm trong công tác khảo thí hoặc quản lý đào tạo.

Có ít nhất 10 cán bộ chấm thi đối với mỗi nội dung thi, có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ GD&ĐT; ít nhất 5 cán bộ ra đề thi/mỗi nội dung thi; ít nhất 3 cán bộ phân tích đề thi là cán bộ cơ hữu của đơn vị; các cán bộ phân tích đề thi phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục…

Thứ ba, có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong một lần thi, trong đó số câu hỏi chuẩn hoá phải đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng trắc nghiệm; đủ để xây dựng được 5 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng tự luận, đủ để xây dựng được 5 đề thi độc lập và không trùng nhau đối với mỗi bài thi dạng bài thực hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định chi tiết trên như bằng cấp của cán bộ, ngân hàng câu hỏi... Bộ GD&ĐT đang làm khó khiến các trường không thể thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình như quy định.

Kể cả với một số trường có nhiều kinh nghiệm và tổ chức tuyển sinh riêng về đánh giá năng lực nhiều năm qua như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khó thực hiện.

Các trường hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh lại một số chỉ tiêu theo góp ý cho phù hợp hơn với Luật Giáo dục đại học và tình hình thực tại.

Tác giả: Hà Cường

Nguồn tin: Báo VTC News

  Từ khóa: Bộ GD&ĐT , tuyển sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP