Học sinh lớp 1 năm nay bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 qua 2 năm liên tiếp. ẢNH: NGUYỄN LOAN |
Mất hơn 3 tháng nghỉ học ở bậc mầm non, giai đoạn chuẩn bị các kỹ năng “tiền lớp 1”; sau đó học sinh lớp 1 năm nay là lớp 1 đặc biệt, học theo chương trình mới, vào học kỳ 2 phải nghỉ học vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Đó là “chân dung” của lứa học sinh lớp 1 năm nay.
Cô trò vất vả vì dịch và chương trình mới
Gần 10 năm dạy lớp 1, cô Thanh Nga, giáo viên (GV) một trường tiểu học ở TP.HCM, nhận định lứa lớp 1 năm nay là lứa học sinh (HS) “đặc biệt” nhất của cô từ trước tới nay.
Đặc biệt, vì đây là lứa HS phải chịu khá nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng là lứa đầu tiên bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô Nga cho biết năm trước vào giữa tháng 2 (ngày 14.2.2020) thì HS toàn TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác nghỉ học để phòng dịch. Việc nghỉ học ở TP.HCM sau đó kéo dài đến tháng 5. Như vậy, ở bậc mầm non, trong chương trình học kỳ 2 được xem là thời gian “tiền lớp 1”, các em được học những kỹ năng cần thiết trước khi chuyển cấp. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch, lứa trẻ lớp lá năm học 2019 - 2020 (lớp 1 năm nay) không được học chương trình này.
Và hiện nay, khi lứa HS lớp 1 này vừa bước sang học kỳ 2, đang trong giai đoạn tập đọc, viết chính tả lại phải nghỉ học sớm và chuyển sang học trực tuyến tại nhà trước kỳ nghỉ tết 1 tuần, và sau tết hơn 1 tuần. Nếu tính cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thì các em không được học tập trung ở trường gần hết tháng 2.
“Với HS ở các khối lớp lớn hơn, việc chuyển sang học trực tuyến đã khó khăn thì với HS lớp 1 khó gấp nhiều lần. Bởi vì các em còn quá nhỏ, học ở trường ngoài học kiến thức còn học nền nếp, được GV cầm tay sửa từng nét chữ, nên khi học trực tuyến các em thiệt thòi rất nhiều. Chưa kể, các em nghỉ học ở nhà quá lâu, khi trở lại trường nhiều em quên hết kiến thức, kỹ năng đã học trước đó, cô trò lại phải rèn lại từ đầu”, cô Thanh Nga chia sẻ và cho biết chính vì việc học của HS gián đoạn nên GV vì thế cũng vất vả hơn rất nhiều.
Quên nhiều kiến thức do nghỉ dài
Theo cô Nga, trong chương trình học kỳ 2, HS lớp 1 bắt đầu tập đọc với đoạn văn dài, viết chính tả, tập viết chữ từ cỡ vừa xuống cỡ nhỏ (như HS lớp 2, 3) nên giai đoạn này thật sự các em rất cần GV. Người dạy phải dạy trực tiếp, nghe được phát âm của từng em và chỉnh từng vần, rèn từng chữ.
“Nghỉ học gần 1 tháng, dù có gửi bài tập, bài học về nhà thì hầu hết các em vẫn quên nhiều kiến thức. Vì nghỉ học, các em chuyển sang học tại nhà. Theo khung chương trình, khi đi học trở lại, GV sẽ phải dạy chương trình từ tuần 24 nên không thể dạy lại toàn bộ kiến thức của các tuần trước đó”, cô Nga nói thêm.
Tương tự, theo bà Nguyễn Huỳnh Thị Lệ, Hiệu phó Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân, TP.HCM), HS các cấp trong 2 năm nay đều chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng riêng HS lớp 1 gặp nhiều khó khăn hơn vì lứa tuổi còn nhỏ.
Khi học trực tuyến, theo bà Lệ, khó khăn đối với HS là GV không hướng dẫn trực tiếp được, nhiều thắc mắc của HS khó lòng được trả lời kỹ càng. Khi HS học tại nhà, GV khó lòng quản lý hết được cả lớp, sẽ có em học, em không, có những em cũng chưa rèn được kỹ năng “nghe để viết”.
Sẽ cố gắng để đạt chuẩn đầu ra khi học xong lớp 1
Cũng thừa nhận có những khó khăn đối với HS lớp 1 năm nay, bà Ngô Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết trong thời gian HS nghỉ học tập trung, trường đã triển khai song song cả hai hình thức dạy vừa trực tuyến vừa quay video bài giảng để HS linh động trong việc học.
“Chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu là làm gì thì làm nhưng khi các em hoàn thành chương trình lớp 1 là phải đạt được chuẩn đầu ra. Dù tỷ lệ HS vượt qua chuẩn này không nhiều nhưng xét về đại trà thì tất cả các em phải có đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để lên lớp 2”, bà Trang chia sẻ.
Tương tự, bà Hồ Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12), cho rằng học trực tuyến thì chất lượng giữa các em không đồng đều, vì mỗi gia đình một điều kiện, nhiều em thậm chí không có thiết bị kết nối mạng.
“Qua 1 tuần HS đi học trở lại nhưng với lớp 1 đặc biệt chắc phải mất thêm 1 tuần để cho các em ổn định và quen lại với việc đi học. GV cũng sẽ ôn lại kiến thức ở những tuần trước đó rồi mới cho HS theo chương trình bài mới được”, bà Hoa nói thêm.
Tác giả: Nguyễn Loan
Nguồn tin: Báo Thanh niên