Hàng dỏm, hàng giả quá dễ quảng cáo trên YouTube - Ảnh: ĐỨC THIỆN |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, người làm nội dung quảng cáo, Facebook và Google sẽ là những "ngư ông đắc lợi" bởi nguồn tiền dùng cho quảng cáo sẽ tiếp tục chảy mạnh vào túi họ…
Siết "người nhà", thả "người ngoài"
Theo đó, nếu áp dụng quy định "Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây" và "Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài" thì gần như tất cả báo điện tử, trang tin, mạng xã hội trong và ngoài nước hiện nay đều vi phạm.
Thế nhưng, trong khi việc phạt các tổ chức, doanh nghiệp trong nước quá dễ, thì việc phạt các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook xưa nay vẫn chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
"Mạng xã hội YouTube hiện nay đang áp dụng luật của họ là vừa có quảng cáo bắt buộc phải xem hết vừa có quảng cáo sau 5 giây mới cho người dùng được bấm nút "bỏ qua" và có thể xuất hiện nhiều quảng cáo "tràn khung" trong một video. Luật YouTube áp dụng cho toàn cầu, các quy định đều rất thoáng cho người quảng cáo lẫn nội dung quảng cáo. Quảng cáo trên video của họ lại dễ tiếp cận được đông đảo khách hàng hơn. Bình thường, nhiều khách hàng của chúng tôi đã lựa chọn quảng cáo trên YouTube hay Facebook rồi. Nếu áp dụng quy định nêu trên, tôi chắc lượng khách hàng lựa chọn chuyển hẳn từ quảng cáo trên báo điện tử chính thống sang các nền tảng xuyên biên giới sẽ tăng rất nhanh", giám đốc một công ty quảng cáo tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) nhận xét.
Bà Lê Hà Châu, trưởng phòng truyền thông Công ty Advertising Việt Nam, cũng cho rằng quy định sẽ gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị báo chí trong nước, đặc biệt là khi các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook… vẫn cho phép quảng cáo bình thường.
"Một thực trạng ai cũng thấy hiện nay là báo chí, đặc biệt là báo chí chính thống trong nước đang rất khó khăn để phát triển, bởi sự xâm lấn khủng khiếp của các mạng xã hội xuyên biên giới. Thế nhưng, cơ quan chức năng đến giờ hầu như vẫn chưa thể "nắm tóc" được các nền tảng này. Điều đó vốn dĩ đã là một sự bất công đối với báo chí truyền thông trong nước.
Do đó, thay vì thêm quy định siết chặt hơn, tôi thấy cái cần nhất hiện nay là nên tạo điều kiện cho họ (báo chí chính thống - PV) phát triển, ít nhất là đảm bảo công bằng với các công ty lớn, nước ngoài", bà Châu chia sẻ.
Tuy nhiên, có doanh nghiệp lại hy vọng rằng quy định mới sẽ góp phần làm tăng tính sáng tạo của người làm quảng cáo, cũng như dẹp bớt những quảng cáo nhảm, vi phạm pháp luật đang xuất hiện ngày càng tràn lan.
"1,5 giây là thời gian quá ngắn để có thể truyền tải một thông điệp quảng cáo, tuy nhiên, phương thức quảng cáo cũng cần tiếp cận người tiêu dùng một cách tinh tế, để tránh gây phản cảm. Người tiêu dùng nên được quyền lựa chọn quảng cáo mà họ cảm thấy thoải mái. Điều này cũng thôi thúc bộ phận truyền thông thương hiệu phải luôn có những phương pháp tối ưu quảng cáo sao cho hiệu quả nhất, để mang lại trải nghiệm tích cực cho người dùng, thông qua đó củng cố hình ảnh và thúc đẩy kinh doanh", ông Nguyễn Duy Linh, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS, cho biết.
Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021 ước tính, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến (Online Ads) Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức doanh thu 955,7 triệu USD, tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020 (820 triệu USD) bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, Facebook, Google Ads, YouTube, và những người có sức ảnh hưởng trên mạng (KOLs) hiện đang nhận được mức đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Facebook với chỉ 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát hiện không dùng, hay chưa dùng Facebook làm kênh truyền thông kỹ thuật số.
Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp chi tới hơn 50% ngân sách quảng cáo trực tuyến vào chỉ Facebook mà chưa tận dụng những kênh khác có thể đem lại hiệu quả cao hơn.
Báo cáo cũng đánh giá Facebook, YouTube, Google Ads vẫn là những kênh được doanh nghiệp kỳ vọng đem lại hiệu ứng tốt và được dành mức ngân sách đáng kể trong năm 2021.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) đã phát triển vượt bậc với dự báo thị trường năm 2021 khoảng 2 - 3 tỉ USD. Trong giai đoạn COVID-19, kinh tế Việt Nam cũng như trên thế giới mặc dù phải chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng tốc độ tăng trưởng của tiếp thị kỹ thuật số tại Việt Nam vẫn tăng trưởng 20 - 30%. Thậm chí có một số doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng 200 - 300% trong năm 2020 vừa qua.
Hiện các doanh nghiệp đang sử dụng tiếp thị kỹ thuật số chủ yếu để cân bằng với tiếp thị truyền thống và mang tính bổ trợ trong bối cảnh dịch chuyển hành vi của người tiêu dùng - từ offline sang online.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp cũng nhận ra sự đóng góp mang tính cốt lõi của tiếp thị kỹ thuật số vào doanh số hiện nay. Tiếp thị kỹ thuật số được cho là đã và đang trở thành một phần chiến lược quan trọng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, tăng từ 18% của năm 2020 lên 39% trong năm 2021.
Tác giả: Đức Thiện
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ