Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: Thiều Trang |
Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ ban hành tại Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.
Về hỗ trợ sinh hoạt phí, sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục đào tạo tại các địa phương, Bộ, ngành theo các quy định hiện hành.
Đặc biệt, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt này được áp dụng thống nhất trong năm học và được điều chỉnh hằng năm theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. Riêng trường hợp học theo tín chỉ, tổng kinh phí hỗ trợ cả khóa học không vượt quá mức hỗ trợ quy định của khóa học theo năm học.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.11.2020 và áp dụng bắt đầu cho khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Nghị định cũng nêu rõ về việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp cụ thể như: Sinh viên đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; sinh viên đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác; sinh viên được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học. |
Tác giả: ĐẶNG CHUNG - THIỀU TRANG
Nguồn tin: Báo Lao động