Trong nước

Số ca nhiễm nCoV ngày càng cao, các địa phương dừng chào đón năm mới

Hiện TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An có số lượng người được tiêm vaccine mũi 3 cao nhất. Số lượng mũi 3 trên cả nước hiện mới đạt hơn 4 triệu liều.

Sau 4 ngày số ca nhiễm có xu hướng giảm, ngày 30/12, Việt Nam lần đâu ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 ở mức 17.000.

Đây là ngày số lượng ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, theo công bố của Bộ Y tế.

Trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều địa phương không tổ chức các hoạt động đông người dịp lễ Tết.

Nhiều địa phương tăng nhanh số ca mắc Covid-19

Ngày 30/12, Hải Dương có 299 ca mắc mới. Đây là số lượng F0 trong ngày cao nhất của tỉnh trong đợt dịch lần 4. Các điểm ghi nhận nhiều ca mắc trong ngày là phường Sao Đỏ (Chí Linh), thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam (Tứ Kỳ)...

Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, Hải Dương có 3 trường hợp đi trên chuyến bay QH9028 có bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Omicron. Các trường hợp này là người ở TP Hải Dương và huyện Kim Thành. Hiện 3 người này được cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Nhiều ngày qua, tỉnh Cao Bằng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Hôm 30/12, tỉnh có 58 ca bệnh mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại địa phương này.

Đáng chú ý, ngành y tế cũng ghi nhận nhiều ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây tại TP Cao Bằng và 2 huyện Trùng Khánh, Hòa An. Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, dự báo số lượng người dân đến và trở về tỉnh nghỉ Tết sẽ tăng cao, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng yêu cầu dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử...bắt đầu từ 6h ngày 30/12.

Tỉnh Sơn La đang xử lý ổ dịch được phát hiện tại đám ma và đám cưới trong một bản. Hiện ổ dịch lây nhiễm cộng đồng ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được đánh giá rất phức tạp, đa số trường hợp F0 đều có chung yếu tố dịch tễ tham dự cùng 2 đám này.

Hiện lực lượng chức năng huyện Mai Sơn đã khẩn trương khoanh vùng, truy vết người có liên quan ca bệnh, phong tỏa y tế bản Phiêng Hịnh, xã Nà Bó với đa số người dân là F0,F1. Học sinh trên địa bàn xã cũng được tạm nghỉ học.

Tín hiệu khả quan từ tỉnh Cà Mau khi đồ thị số ca nhiễm tại tỉnh này đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Trước đó, Cà Mau nhiều ngày đứng đầu danh sách ca nhiễm, vượt TP.HCM, Tây Ninh và Hà Nội. Hiện tại, số ca mắc của tỉnh này giảm rõ rệt nhưng vẫn ở mức cao, trung bình 7 ngày qua ghi nhận 629 ca nhiễm.

Trong số 1.008 ca mắc ngày 30/12, có 5 người ngoài tỉnh về địa phương, 309 ca đang cách ly và 694 ca mắc cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 15.859 người điều trị tại các cơ sở y tế. Trong ngày ghi nhận 6 ca tử vong, tổng cộng đến nay có 168 ca tử vong.

Theo đánh giá cấp độ dịch, tỉnh Cà Mau có 4 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2, có 97 đơn vị cấp xã cấp độ 3 và có 44 ấp/khóm ở cấp độ 4. Trong ngày không phát sinh chùm ca bệnh mới, toàn tỉnh đang theo dõi 65 chùm ca bệnh.

Các địa phương hạn chế hoạt động chào mừng năm mới

Theo thông tin từ cuộc họp báo chiều 30/12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, thành phố sẽ thống nhất tổ chức chương trình countdown trong Tết Dương lịch 2022 tại một điểm duy nhất là trên đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah) và không tổ chức trên đường Lê Duẩn như thường niên.

Hoạt động sẽ diễn ra từ 22h ngày 31/12 đến 0h10 ngày 1/1/2022. Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

"Đây là lần đầu tiên TP.HCM chương trình đếm ngược không có khán giả", ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho hay.

Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa cũng như các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật và đếm ngược (countdown) chào năm mới dương lịch như các năm trước để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Thành phố sẽ tổ chức một số hoạt động trực tuyến để chào đón năm mới, một số chương trình giao lưu văn nghệ đón xuân được phát sóng trên truyền hình địa phương.

TP Huế thì thu hẹp các hoạt động thay vì tổ chức rộng rãi như thường niên. Chính quyền thành phố sẽ không tổ chức khai trương phố đêm nhưng sẽ bố trí các gian hàng để giới thiệu các đặc sản của các địa phương đến du khách.

Riêng đối với chợ hoa xuân Tết Âm lịch cũng không làm lễ khai mạc, bế mạc nhưng vẫn tạo không gian chợ cho bà con kinh doanh hoa.

Tại tỉnh Tây Ninh, với số ca F0 trong bình hơn 900 ca/ngày, tỉnh này chủ trương không tổ chức bắn pháo hoa, họp mặt kiều bào, hội thề Rừng Rong trong dịp Tết Nguyên đán.

Một số sự kiện vẫn được tổ chức nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, như Lễ khai mạc hội xuân núi Bà Đen năm Nhâm Dần 2022; viếng nghĩa trang Liệt sĩ; chương trình "Tết sum vầy" cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh Quảng Nam thì kêu gọi, vận động người thân đang làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Nguyên đán Nhâm Dần.

Lãnh đạo tỉnh này đề nghị địa phương cần kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về, phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định.

Hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em trước tháng 1/2022

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều ngày 30/12, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 149.318.658 liều.

Với trẻ 12-17 tuổi, hiện nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 81,9% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là 47,5% dân số 12-17 tuổi. Tổng số vaccine đã được tiêm đến chiều 30/12 là 11.779.039 liều.

Các tỉnh có tỷ lệ tẻ 12-17 tuổi được tiêm chủng cao nhất gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Trước đó, Bộ Y tế đề nghị đến ngày 31/12, các địa phương phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022 và hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: zingnew.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP