Kinh tế

Sở hữu chéo ngân hàng: 'Ai cũng biết, cũng nhận ra nhưng nêu tên, chỉ mặt rất khó

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, quy định chống sở hữu chéo ở trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đưa ra lần này là chưa mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An.

Thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: Trước các sự kiện như vụ rút vốn ồ ạt ở một ngân hàng vừa qua, hay như ở Mỹ dù có hệ thống ngân hàng mạnh vậy mà vẫn để xảy ra phá sản, đổ vỡ… đề nghị luật phải đưa ra biện pháp phòng rủi ro đổ vỡ hệ thống.

“Sở hữu chéo phải chấm dứt chứ không phải hạn chế, sở hữu chéo ai cũng biết, cũng nhận ra được nhưng để nêu tên, chỉ mặt định danh là rất khó. Nếu đánh giá về sở hữu chéo, hiện nay có thể thấy là có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta. Đây thực sự là vấn đề khó", ông An nói

Cũng theo ông An cho rằng: Quy định chấm dứt sở hữu chéo ở trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi đưa ra lần này là chưa mạnh.

“Việc này là mang tính thụ động, chấm dứt được sở hữu chéo phải công khai minh bạch, tổ chức cá nhân dính líu đến chuyện này. Đặt lại mô hình giám sát liên quan đến ngân hàng”, ông An đề xuất.

Để xảy ra vụ việc như người dân rút tiền ồ ạt ở một ngân hàng vừa qua, liên quan trực tiếp đến thanh tra lĩnh vực ngân hàng. Nhưng Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này mới chỉ 1 điều quy định, chúng tôi cho rằng cần có hẳn một chương về vấn đề này và cần mô hình cơ quan độc lập.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Trung tướng, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng: Lợi ích nhóm ngân hàng đã và đang gây lo ngại, rủi ro an toàn hệ thống. Dù dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có quy định hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, hiện tồn tại nhóm cổ đông lớn đứng tên hoặc không đứng tên trong Hội đồng quản trị, ban điều hành và nắm chi phối vẫn xảy ra, mất nhiều thời gian cho công tác điều tra.

Liên quan đến tội phạm lừa đảo liên quan đến ngân hàng, trong đó các đối tượng sử dụng thông tin, giấy tờ giả, mở tài khoản ngân hàng, thuê mở tài khoản, bán lại tài khoản cho đối tượng vi phạm pháp luật, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị, cần luật hoá các quy định, trong đó cần có quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng có nền tảng công nghệ trong nhận diện khách hàng, đảm bảo tính chính danh.

“Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng truy xét dòng tiền, phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, với quy định hiện hành không đáp ứng yêu cầu ngăn chặn kịp thời. Sau khi lừa được tiền, đối tượng chuyển tiền đi rất nhanh nên số tiền thu hồi được rất ít”, Giám đốc Công an Hà Nội nêu.

Theo ông Trung từ thực tiễn này, quy định cung cấp thông tin tài khoản khách hàng phục vụ điều tra cần rút ngắn hơn.

Tác giả: Kỳ Thư

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP