Thế giới

Số người chết cao chưa từng có tại tâm dịch Covid-19 châu Á

Indonesia tiếp tục ghi nhận số người chết kỷ lục vì Covid-19, giữa lúc có nhiều lo ngại về nguy cơ xuất hiện biến chủng virus mới.

Số người chết vì Covid-19 tại Indonesia liên tục lập kỷ lục (Ảnh: EPA).

Bộ Y tế Indonesia ngày 23/7 thông báo số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc đã tăng thêm 49.071 người trong vòng 24 giờ, lên hơn 3 triệu trường hợp. Trong khi đó, số người chết vì Covid-19 cũng tăng thêm 1.566 người, lên hơn 80.000 trường hợp.

Đây là ngày có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất tại Indonesia kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này. Số người chết lập kỷ lục 4 lần liên tiếp trong tuần này, đưa Indonesia trở thành tâm dịch Covid-19 tại châu Á.

Virus cho đến nay đã lây lan đến toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia và biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn đã góp phần làm gia tăng số ca nhiễm ở một số vùng của đất nước.

Indonesia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà, trong khi vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động di chuyển công cộng ở một số khu vực, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang có diễn biến xấu đi.

Chính phủ Indonesia vẫn tin tưởng vào việc tiêm chủng vắc xin, phần lớn do Sinovac của Trung Quốc cung cấp, nhằm giúp giảm tác động của đại dịch. Tuy vậy, các rào cản về hậu cần, nguồn cung hạn chế và sự chần chừ của người dân trong việc tiêm vắc xin đã cản trở các mục tiêu. Cho đến nay, chỉ 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy vậy, chính phủ Indonesia vẫn có kế hoạch nới lỏng các hạn chế từ ngày 26/7 nếu tình hình được kiểm soát. Chỉ hơn một tuần sau khi Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố các biện pháp hạn chế hiện tại có thể được nới lỏng nếu các ca nhiễm bắt đầu giảm.

Một số biện pháp hạn chế xã hội được áp dụng từ ngày 3/7, như làm việc tại nhà và đóng cửa trung tâm thương mại, hiện chỉ giới hạn ở các đảo Java và Bali cũng như các "vùng đỏ" được chỉ định khác tại Indonesia.

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đã gây ra hậu quả tàn khốc ở Indonesia, khi người dân phải tìm giường bệnh, bình dưỡng khí và thuốc cho những người thân trong tuyệt vọng.

Các nhà phân tích và các nguồn tin chính phủ cho biết, những lo ngại về sinh kế của người nghèo và một loạt các cuộc biểu tình nhỏ trong tuần qua đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội tại Indonesia. Các chuyên gia cho rằng, các cuộc biểu tình có thể là biểu hiện cho sự bất mãn của người dân khi cuộc sống của họ trở nên khó khăn do dịch bệnh.

Chính phủ phải đối mặt với bài toán cân bằng khó khăn trong việc hoạch định chính sách để bảo vệ cả nền kinh tế lẫn sức khỏe của 270 triệu người dân ở quốc gia đang phát triển và rộng lớn này.

Nhưng khi số ca nhiễm ngày càng tăng và các khu vực chôn cất đã kín thi thể, chính phủ Indonesia lại phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng rằng họ đã ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe của người dân.

Các nhà sử dụng lao động đã cảnh báo về việc sa thải hàng loạt, trừ khi các hạn chế được nới lỏng vào tuần tới, trong khi các tổ chức xếp hạng tín dụng cho rằng các biện pháp hạn chế có thể thách thức mục tiêu của chính phủ Indonesia trong việc giảm thâm hụt tài chính.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc Indonesia nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm có thể cho phép biến thể Delta tiếp tục lan rộng tới các khu vực xa xôi - những nơi chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, Indonesia cũng đối mặt với nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn Delta.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP