Khoảng 90% người nhiễm virus viêm gan C không biết mình mắc bệnh. Ảnh TL |
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân tử vong liên quan đến viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam hiện là một trong 9 nước khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B và C cao trong quần thể dân cư và chịu nhiều hậu quả nặng nề do nhiễm viêm gan vi rút. Cụ thể: viêm gan vi rút B, C là nguyên nhân gây xơ gan, ung thư gan hàng đầu.
Việt Nam ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV. Tỷ lệ tử vong do viêm gan trong 15 năm qua tăng 22% trong khi các bệnh khác như HIV, lao, sốt rét lại giảm đi.
Vì thế các chuyên gia cho hay, viêm gan virus đã trở thành “kẻ giết người thầm lặng” bởi đặc tính diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng để lại hậu quả nặng nề dẫn đến xơ gan, ung thư gan... Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, viêm gan virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên thế giới với 6-10 triệu người mắc viêm gan mạn do virus, trong đó 1,4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Trong số đó, 47% là viêm gan vi rút B và 48% là viêm gan vi rút C, còn lại là viêm gan A, viêm gan E.
Điều khó khăn hiện này là người bệnh tiếp cận điều trị còn khó khăn do giá thành điều trị các bệnh viêm gan còn cao, vượt quá khả năng chi trả. Việt Nam là một trong những nước có giá thành điều trị viêm gan cao nhất thế giới: Viêm gan B bảo hiểm chi trả 80 chi phí điều trị nhưng phụ thuộc vào trần bảo hiểm và chính sách của các địa phương, các tuyến điều trị; người bệnh điều trị viêm gan C được bảo hiểm chi trả 30% với phác đồ điều trị cũ.
Bên cạnh đó trong hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng còn hạn chế, chưa được thực hiện đồng bộ. Việc truyền thông chủ yếu được lồng ghép trong chương trình tiêm chủng mở rộng về tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Việc xét nghiệm tải lượng vi rút mới được thực hiện tại tuyến Trung ương, tỉnh. Chưa có phương cách xét nghiệm, quy trình chuẩn cho các xét nghiệm với các mục đích khác nhau như sàng lọc máu, chẩn đoán, giám sát điều tra…
Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan đã và đang nỗ lực để dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C và xây dựng các chính sách để giảm chi phí điều trị cho người bệnh viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có các biện pháp nhằm giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.
Cùng đó tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của người dân, cán bộ y tế, chính quyền các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế đối với công tác phòng chống bệnh viêm gan vi-rút.
Tăng cường công tác dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan đặc biệt là viêm gan B và C, dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh nhân viêm gan vi rút và mở rộng tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút đặc biệt với 2 loại viêm gan B và C.
Đặc biệt là để người bệnh viêm gan có thể tiếp cận với các loại thuốc mới có hiệu quả cao để được chữa khỏi bệnh thông qua việc tiếp tục vận động chính sách và đàm phán để giảm giá thành thuốc kháng vi rút, vận động từ nguồn BHYT để người bệnh tăng thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị viêm gan vi rút.
Nhân ngày Viêm Gan thế giới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy biết bảo vệ mình và gia đình mình khỏi căn bệnh viêm gan vi rút, hãy đảm bảo thế hệ con cháu chúng ta không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Chủ động thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm gan vi rút để được điều trị sớm. Các thầy thuốc, hãy bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn tránh lây nhiễm trong trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. WHO đưa ra thông điệp khuyến cáo gồm: - Loại trừ viêm gan: hãy phòng lây nhiễm - Loại trừ viêm gan: hãy xét nghiệm - Loại trừ viêm gan: tiêm an toàn - Loại trừ viêm gan: hãy điều trị |
Tác giả: Minh Châu
Nguồn tin: Báo Công Luận