Nhân ái

Số phận nghiệt ngã của 4 người phụ nữ như bị "trời đày"

Gia đình 3 thế hệ, 4 con người đều không được bình thường, họ nương tựa vào nhau rau cháo qua ngày. Bệnh tật hành hạ, không thuốc thang, cuộc sống khốn khổ đủ đường, số phận của họ như bị "trời đày".

Những số phận nghiệt ngã mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là gia đình bà Vi Thị Lực (SN 1937, trú tại xóm Trung Phú, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Trong ngôi nhà 2 gian nhỏ hẹp được xây dựng nhờ tình thương của cộng đồng, bà Lực đang sống cùng 2 người con gái là Hà Thị Loan (SN 1964), Hà Thị Linh (SN 1973) và cháu gái Hà Thị Luân (SN 1998).

Chồng mất sớm, để lại cho bà Lực 4 người con gái. Bà tần tảo nuôi các con, người con gái đầu đã lấy chồng xa. Những người còn lại thì cứ ngoài 20 tuổi là bắt đầu phát bệnh với nhiều biểu hiện bất thường. Cũng vì bệnh tật mà bà Lực đã mất đi một người con gái.

Hiện, gia đình 3 thế hệ với 4 con người sống nương tựa vào nhau nhưng tất cả đều không được bình thường. Mỗi người một bệnh với các mức độ khác nhau, đặc biệt là khi trái gió, trở trời bà con lối xóm đều nghe những tiếng la hét, đập phá, chửi bới phát ra từ căn nhà nhỏ khiến ai cũng ớn lạnh. Đó cũng là lúc những thành viên trong gia đình phát bệnh, gánh nặng chăm sóc bà, mẹ và dì đặt lên vai cô cháu Hà Thị Luân, được xem là người "tỉnh táo" nhất trong gia đình.

Đến thăm gia đình bà Lực, tôi không khỏi ái ngại những gì mình chứng kiến. Trong khu vườn, chị Loan với bộ quần áo đã rách tả tơi, chân trần, khuôn mặt lấm lem nhặt những hòn đá rồi ném vu vơ với một biểu cảm vô hồn. "Chị ấy suốt ngày đi vòng quanh trong vườn cả nghìn bước chân, vừa đi vừa nhặt đá, vừa la, vừa hét, bê những hòn đá qua đầu rồi ném xuống. Có hôm viên đá rơi trúng chân chị lại hét toáng lên như có ai đánh đập. Cả gia đình này khổ lắm. Khổ hết nói rồi chú à…", chị Hà Thị Liên, một người hàng xóm chia sẻ.

Còn người em gái là Hà Thị Linh lại tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ hẹp với mớ quần áo cũ, thi thoảng lại la hét vì nghĩ rằng có người sẽ làm hại mình. Thấy có người lạ, chị Linh đưa ánh mắt sợ hãi nhìn rồi đóng sầm cánh cửa lại.

Chị Linh cũng đã từng lấy chồng nhưng vì phát bệnh nên bỏ về nhà ở với mẹ rồi sinh người con gái là cháu Hà Thị Luân. Cũng từ đó, bệnh tình của chị ngày càng thêm nặng. Một mình bà Lực lại lo cho 2 con gái bệnh tật rồi nuôi đứa cháu từ lúc mới lọt lòng.

Hàng chục năm nay, bà Lực cũng đã quá quen với những hành động bất thường của hai người con gái. Mặc con la hét, ném đá, bà vẫn ngồi chăm chú đan chiếc giỏ bằng tre. Tuổi đã cao nên những động tác của bà rất chậm, đó cũng là việc duy nhất bà có thể làm và có lẽ để quên đi những đắng cay nghiệt ngã của cuộc đời mình. Khi được hỏi về cuộc sống thường ngày, bà cũng chẳng nói gì mà chỉ cười vô hồn, rồi nhìn về phía các con gọi nhưng chẳng ai trả lời.

Là hàng xóm, nên chị Hà Thị Liên cũng không còn lạ gì nỗi khổ của gia đình bà Lực: "Hôm nay bà ấy khỏe nên thế thôi, nhưng lúc nào phát bệnh là kêu đau rồi nói có con gì đang đục trong đầu mình. Ở đây không ai khổ hơn gia đình bà Lực nữa. Chúng tôi ở gần, không ai bảo ai nhưng hàng xóm đều để ý, thỉnh thoảng qua thăm xem mấy mẹ con, bà cháu sống như thế nào. Khi họ phát bệnh còn biết để mà can ngăn, chăm sóc. Có lần phát bệnh nặng, chị Loan còn đánh cả mẹ mình tứa máu, chị Linh thì lúc nào cũng trong tình trạng hoảng loạn, la hét vì nghĩ có người đang làm hại mình, khổ lắm".

Việc chăm sóc, lo lắng bữa ăn cho bà, cho mẹ và dì được đặt tất cả lên đôi vai người cháu gái Hà Thị Luân. Luân cũng được xem là người "tỉnh táo" nhất nhà. Dù đã bước sang tuổi 24, nhưng Luân gầy gò, ốm yếu và không được nhanh nhẹn như đám bạn cùng trang lứa.

Trước đây, Luân cũng xin đi ở đỡ, làm thuê cho một gia đình để kiếm tiền lo cho mẹ, bà và dì nhưng gần đây bệnh của mẹ và dì nặng hơn nên Luân trở về để chăm sóc. Giờ đây cuộc sống của cả 4 người chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp của Nhà nước. Luân cũng phải chi tiêu dè sẻn mới lo cho cả nhà đủ bữa.

Luân bảo: "Cháu cũng không đi làm được gì cả, giúp việc cho họ cũng được một thời gian ngắn là phải về để chăm sóc bà, mẹ và dì. Cả gia đình nhiều khi chẳng có gì để ăn cả…". Nói đoạn, Luân ngậm ngùi, rồi cố quay mặt đi, trên đôi mắt em những giọt nước mắt cũng đã rơi khi nghĩ về số phận hẩm hiu của cả gia đình đang phải gánh chịu.

Nghe Luân tâm sự, tôi vội vào góc bếp mở vung những chiếc nồi đã cáu két, đen sì nằm dưới nền nhà, mới biết được bữa ăn hàng ngày của 4 người chỉ là ít canh rau vặt trong vườn và măng chua nấu canh. Bà Lực đứng gần nói: "Ăn rứa (thế - PV) thôi là ngon lắm rồi". Vừa nói bà vừa cười lớn như để động viên chính mình trước những đắng cay cuộc đời mà bà đã trải qua.

Khi mẹ và dì phát bệnh nặng, tiếng chửi rủa, la hét không ngớt, Luân còn phải canh chừng để dì và mẹ không vô tình đánh đập bà. Nhiều lúc Luân cũng muốn đưa bà, mẹ và dì đi khám, hay mua thuốc uống để hi vọng bệnh tình đỡ đi, nhưng điều đó là không thể, bởi cái ăn cho 4 người còn không đủ thì lấy tiền đâu để mua thuốc hay đi khám.

Hàng ngày, 4 phận người sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội và tình thương từ hàng xóm láng giềng. "Đây là gia đình có hoàn cảnh nhất mà tôi từng gặp. Cả gia đình 4 người thì bà Lực cũng bị bệnh ngơ ngơ như thiếu máu não, nói trước quên sau, còn chị Loan thì điên hẳn, không còn chút tỉnh táo nào nữa. Riêng chị Linh thì bị bệnh trầm cảm, thấy ai đến cũng chui vào nhà nấp, trốn và hét lên như có ai đe dọa mình. Còn cháu Luân được cho là "bình thường" nhất trong nhà cũng không được minh mẫn như đám bạn cùng trang lứa đâu nhà báo à. Có thể nói, cả nhà bà Lực 4 người như "trời đày". Họ sống mà không bằng chết đâu, gia đình bà Lực cả cái xã này thương lắm", ông Ngô Xuân Trinh, xóm trưởng xóm Trung Phú, xã Nghĩa Trung chia sẻ.

Ông Trinh mong muốn bạn đọc hãy dang tay cứu giúp gia đình bà Lực: "Chính quyền địa phương, bà con lối xóm cũng rất quan tâm. Trước đây, nhà của bà Lực sắp sập, mỗi người góp một ít, chúng tôi đã xây được căn nhà dù chật nhưng cũng có chỗ để cho bà cháu, mẹ con trú mưa, trú nắng. Giờ đây mong sao có sự quan tâm của các cấp, nhà hảo tâm để có tiền chữa bệnh, thuốc thang hàng ngày, đặc biệt là lo cho tương lai của cháu Luân nữa".

Ông Nguyễn Long An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: "Gia đình bà Lực hiện nay có chế độ của Nhà nước hỗ trợ và xóa được nhà tranh tre nhưng đang khổ lắm. Gia đình này khổ nhất xã chúng tôi. Các con của bà Lực đều bị bệnh, có người lên cơn còn bắt cóc, bắt nhái, bắt cả con gà con đang sống để ăn. Những năm qua chính quyền xã cũng luôn động viên, hỗ trợ những món quà vào các dịp lễ, Tết… Về lâu dài, xã không có điều kiện để trợ cấp thường xuyên, chỉ khi có người ốm đau, xóm đề xuất lên thì chúng tôi họp ủy ban để tìm cách hỗ trợ cho họ…".

Căn nhà tình thương được chính quyền xây dựng cho gia đình bà Lực.

Rời căn nhà nhỏ, hình ảnh cháu Luân thẫn thờ ở bậc cửa trong bộ quần áo cũ. Rồi đây trách nhiệm chăm sóc cho bà, mẹ và dì đều đổ dồn lên đôi vai của cô gái vừa gầy gò, vừa yếu ớt. Không biết Luân còn đủ tỉnh táo để gánh vác trách nhiệm nặng nề của mình, hay rồi đây cũng như những lo lắng của bà con lối xóm, ông trời lại "đày" thêm một số phận nghiệt ngã trong gia đình đã quá đau thương này.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về

- Cháu Hà Thị Luân

- Xóm Trung Phú, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

- ĐT: 0984176395

- Số TK: 3611205238533, Hà Thị Luân, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Tây Nghệ An

Thiết kế: Thủy Tiên

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP