Số phận nghiệt ngã của thầy giáo trẻ
Thầy Trần Văn Xuân (SN 1989) là giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ nhỏ, thầy Xuân đã vất vả và thiệt thòi khi bố mẹ chia tay. Sớm ý thức được hoàn cảnh nên thầy Xuân luôn chịu thương, chịu khó, nỗ lực học tập, mong có tương lai tốt đẹp.
Thầy Trần Văn Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Tiến Thành). |
Sau khi học xong lớp 12, với những nỗ lực của bản thân, chàng trai Trần Văn Xuân đã thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế.
Năm 2009 ra trường, thầy Xuân vào tỉnh Bình Thuận công tác. Nhưng sau đó vì thương mẹ già ở một mình, thầy Xuân xin chuyển công tác về quê. Năm 2015, mặc dù chưa thể về gần nhà tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh, nhưng được về công tác tại huyện Vĩnh Linh, với thầy Xuân đã là một niềm vui khôn xiết.
Thầy Xuân bất ngờ phát hiện bị suy thận nặng (Ảnh: Tiến Thành). |
Nhưng rồi, bất hạnh đã ập đến với thầy Xuân. Cách đây gần một năm, thầy Xuân phát hiện sức khỏe bản thân có dấu hiệu đi xuống nhưng vì điều kiện nên không đi thăm khám.
Đến tháng 5/2022, thầy Xuân thấy mắt mờ dần, sức khỏe yếu hẳn, lúc này thầy đi khám thì mới phát hiện mình bị suy thận độ 5. Cầm sổ khám bệnh trong tay và chỉ định phải chạy thận, thầy giáo trẻ như chết lặng.
Mỗi tuần thầy Xuân phải chạy thận 2 lần để duy trì sự sống (Ảnh: Tiến Thành). |
"Cầm kết luận trên tay mình suy sụp hoàn toàn, nước mắt cứ rơi ra, tủi thân và bất lực vô cùng. Vì sợ mẹ lo lắng nên mình im lặng không dám nói ra tình hình bệnh tật của bản thân, mãi về sau khi đi chạy thận mẹ mới biết. Có những lúc mình đã tính buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến mẹ, mình tự nhủ bản thân cần phải kiên cường hơn", thầy Xuân chia sẻ.
Niềm khao khát được tiếp tục đứng trên bục giảng
Suốt 5 tháng qua, với đồng lương ít ỏi của giáo viên, vừa dành một phần duy trì sinh hoạt, chăm sóc mẹ, thầy Xuân vừa phải lo kinh phí chạy thận nhân tạo mỗi tuần 2 lần, cũng như thuốc thang.
Nỗi buồn và sự lo lắng đè nặng thầy giáo trẻ (Ảnh: Tiến Thành). |
Lo lắng lớn nhất của thầy Xuân chính là tình trạng suy thận của bản thân đã ở giai đoạn cuối, mặc dù chạy thận nhưng sức khỏe cứ dần yếu đi, sợ rằng sẽ không còn đủ sức đứng trên bục giảng. Mỗi lần suy nghĩ, thầy giáo trẻ lại gục đầu xuống, đôi mắt đỏ hoe.
"Mình chỉ sợ bệnh ngày một nặng, không giúp được gì lại trở thành gánh nặng cho mẹ. Cố gắng mãi chỉ mong mình có một công việc ổn định, theo đuổi niềm đam mê dạy học, nhưng giờ bệnh tật như vậy, sợ rồi gắng không được", thầy Xuân buồn tủi.
Biết con bị suy thận, bà Vân rất buồn bã, chỉ mong có phép màu, giúp con được ghép thận (Ảnh: Tiến Thành). |
Còn với bà Trần Thị Vân, mẹ thầy Xuân cũng thường đau ốm nên mong mỏi con trai khỏe mạnh, sớm lấy vợ cho bà có đứa cháu bồng bế, thỏa mãn mong ước tuổi già. Nào ngờ con bị suy thận, bản thân bà cũng buồn, chỉ mong có phép màu, giúp con được ghép thận, thay đổi số phận nghiệt ngã.
"Từ nhỏ nó đã là đứa chịu thương chịu khó, đi học cũng đi làm thêm trang trải chi phí, ra trường rồi đi dạy, cứ theo công việc mãi đến giờ chưa có vợ. Giờ bệnh tật thế này cũng không còn dám mong điều này nữa rồi. Thương con nhưng tôi giờ già yếu, lực bất tòng tâm. Nó luôn tỏ ra mạnh mẽ để mẹ không lo lắng, nhưng tôi biết Xuân buồn nhiều lắm", bà Vân tâm sự.
Thầy Xuân vẫn kiên cường, nỗ lực nén nỗi đau mỗi ngày để lên lớp (Ảnh: Tiến Thành). |
Tại trường Tiểu học Vĩnh Thủy, khi được hỏi về hoàn cảnh thầy Xuân, các thầy cô giáo ai cũng chua xót. Theo đồng nghiệp, thầy Xuân là một giáo viên rất tận tâm, năng động, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Với học sinh, thầy luôn hết lòng vì các em nhỏ, nhiều năm liền, thầy Xuân là giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, nhưng nay sức khỏe quá yếu nên việc đứng lớp cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Niềm khao khát của thầy Xuân là có thể tiếp tục đứng trên bục giảng (Ảnh: Tiến Thành). |
Trao đổi với phóng viên Dân trí, cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thủy cho biết, cảm thông với hoàn cảnh của thầy Xuân, nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ, bố trí thời gian, hỗ trợ để thầy vừa đi chạy thận, vừa giảng dạy.
"Thay mặt nhà trường, tôi tha thiết mong các mạnh thường quân giúp thầy Xuân và gia đình có thêm chi phí để chạy thận cũng như điều trị lâu dài, giúp thầy có sức khỏe để được sống và tiếp tục được đứng trên bục giảng", cô Liên bày tỏ.
Mọi sự ủng hộ, giúp xin gửi về: Thầy giáo Trần Văn Xuân Thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ĐT: 0913.245.357 |
Tác giả: Tiến Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí