Kinh tế

"Sốt" đổi tiền 29 Tết: Quảng cáo phí thấp nhất thị trường nhưng giá thực... "cắt cổ"!

Ngày 29 Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ càng rầm rộ và giá đổi cũng tăng chóng mặt. So với cách đây 1 tuần, phí đổi các loại tiền tăng lên 30% - 40%, thậm chí đổi 3 triệu đồng chỉ nhận về được 1 triệu đồng.

Hàng loạt trang mạng xã hội được thành lập nhằm mục đích đổi tiền dịp cuối năm.

Nhu cầu dùng tiền mới để lì xì dịp Tết năm nào cũng tăng cao, nhờ vậy các dịch vụ đổi tiền cũng nở rộ. Tìm kiếm trên hệ thống google, chỉ trong khoảng 3 giây đã cho ra hơn 240 triệu thông tin về việc đổi tiền mới.

Tại TPHCM, nhiều facebook, website cũng được thành lập mới để đổi tiền. Các mệnh giá đổi tiền mới, nguyên seri chủ yếu là các loại tiền có mệnh giá từ 1.000 đồng - 100.000 đồng. Mỗi facebook, mỗi website lại có những phí đổi khác nhau và nơi nào cũng cam kết phí rẻ nhất TPHCM.

Tìm hiểu tại một website đổi tiền mới X - có trụ sở tại quận 11, mỗi ngày X đăng tải hàng trăm bài viết liên quan đến việc đổi tiền. Đây là website được đầu tư khá bài bản nên được nhiều người quan tâm, chia sẻ và tham gia đổi tiền. Trên phần quảng cáo, X cho biết phí đổi các loại tiền mới chỉ dao động từ 10% - 15%. Tuy vậy, khi PV liên hệ thì X lại thông báo một mức giá mới cao gấp nhiều lần.

Quảng cáo phí đổi một đằng, thực tế một nẻo.

"Giờ 29 Tết rồi nên tiền hạn chế anh ạ, phí cũng thay đổi vì tụi em cũng phải tìm mãi mới có tiền mới về. Nếu anh đổi tiền mới, còn nguyên seri thì tiền mệnh giá 50.000 đồng có mức phí là 250.000 đồng/1 triệu, tiền 100.000 đồng có mức phí là 200.000 đồng/1 triệu. Anh chuyển khoản em trước 50% rồi bên em sẽ có người giao tiền đến cho anh. Miễn phí ship anh nha", nhân viên của X mời chào.

Theo như mức giá mà nhân viên của X cung cấp, phí đổi các loại tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng đã ở mức 20% - 25%. Mức phí này cao hơn gấp nhiều lần so với mức phí đăng tải trên quảng cáo. Mặt khác, việc chuyển tiền trước cũng mang nhiều rủi ro cho khách hàng.

"Bên em có quy định là khách phải chuyển tiền trước 50% số tiền cần đặt anh ạ. Quy định rồi nên anh thông cảm. Bên em làm ăn uy tín nên anh cứ an tâm. Bên em nhận được tiền là 2 tiếng sau anh sẽ nhận được tiền mới và nhân viên của em sẽ thu 50% còn lại. Anh đổi sớm đi chứ mai 30 Tết hoặc sau Tết phí còn cao nữa", nhân viên của X giải thích thêm.

Mệnh giá tiền càng nhỏ, phí đổi càng cao.

Khi tìm hiểu trên facebook của X, PV nhận thấy đây là facebook chỉ mới được thành lập cách đây 2 tháng. Có thể, facebook này lập lên chỉ để phục vụ đổi tiền cho dịp Tết năm nay. Dù có ghi địa chỉ rõ ràng nhưng khi PV yêu cầu được đến tận nơi để đổi tiền thì nhân viên của X cho biết công ty đã nghỉ từ 20 tháng Chạp và đây là công việc của nhân viên dịp Tết, ở nhà tự làm.

Tiếp tục liên hệ với một facebook Y, PV không khỏi ngỡ ngàng với mức phí đổi tiền mới mà facebook này đưa ra. Vẫn chiêu bài quảng cáo "phí thấp nhất thị trường" lại có giá "cắt cổ". Tuy vậy, không hiểu sao facebook này cũng được nhiều người tham gia và đổi tiền.

"Anh muốn đổi bao nhiêu cũng có, bên em cung cấp tiền mới nhiều nhất nhì ở đây đó anh ạ. Phí đổi mệnh giá tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng là 2 triệu đồng/1 triệu, tiền 500 đồng là 3 triệu đồng/1triệu. Còn tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng thì 600.000 đồng/1 triệu. Anh chuyển khoản trước cho em toàn bộ số tiền cần đổi rồi bên em sẽ ship (giao) tiền đến tận nơi cho anh" - nhân viên của Y giới thiệu.

Đổi tiền mới nhiều rủi ro khi các công ty không rõ địa chỉ, yêu cầu chuyển tiền trước.

Với mức phí trên, người đổi phải mất 2 - 3 lần số tiền mệnh giá thực mới nhận được 1 số tiền mới, nguyên seri. Mức phí cao từ 200% - 300% này quả thực quá phi lý và cần phải xem xét lại tính pháp lý của các dịch vụ đổi tiền như thế này.

Đặc biệt, người dân cũng cần hết sức cảnh giác với các loại hình đổi tiền trên mạng xã hội vì nhiều đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng dịp này để phạm tội. Mặt khác, các dịch vụ đổi tiền mới đều không rõ ràng về địa chỉ công ty, yêu cầu chuyển tiền trước nên khi xảy ra tranh chấp rất khó để đòi lại số tiền đã chuyển.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…

Tác giả: Xuân Hinh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP