Bạn cần biết

Sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại... - dịch bệnh gần hơn bạn nghĩ

Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, hơn 15.000 ca chân tay miệng, 30 ca tử vong vì bệnh dại, 45 trường hợp bị viêm màng não Nhật Bản....

Đó là chưa kể đến hàng loạt các con số khác về các loại dịch bệnh phổ biến ở Việt Nam.

Viêm não mô cầu - loại bệnh nguy hiểm ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh từ đầu năm tới nay.

Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm với số ca mắc rất lớn

Cụ thể, với bệnh sốt xuất huyết, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 21.733 trường hợp mắc, 05 trường hợp tử vong (tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa và An Giang). So với cùng kỳ 2017 số mắc cả nước giảm 41,6%3, số tử vong giảm 7 trường hợp.

Với bệnh tay chân miệng, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 15.341 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó có 8.787 trường hợp nhập viện, không trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 29,2%, số trường hợp nhập viện giảm 25,4%. Số mắc năm 2018 rải rác tại chủ yếu tại Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Bệnh ho gà, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 216 trường hợp mắc bệnh ho gà tại 47 tỉnh, thành phố, 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 41,43%, số tử vong giảm 2 trường hợp. Số mắc năm 2018 rải rác tại chủ yếu tại Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước.

Riêng bệnh dại, trong thời gian qua, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Số tử vong năm 2018 rải rác chủ yếu tại Kon Tum, Cà Mau, Lào Cai, Đắk Lắk, Điện Biên, Hòa Bình, Kiên Giang, Sơn La. 100% các trường hợp tử vong đều không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh tại 13 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong rải rác chủ yếu tại Yên Bái, Điện Biên, Hà Nội, Sóc Trăng, Tây Ninh.

Bệnh viêm não Nhật Bản khá phổ biến trong dịp hè. Tính từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận 45 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 24 tỉnh thành phố. Các trường hợp mắc chủ yếu do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Ổ dịch cúm A(H1N1) pdm 2009 tại Bệnh viện Từ Dũ, từ ngày 30/05/2018 đến ngày 03/06/2018 ghi nhận 31 trường hợp bị cúm tại khoa Nội soi gồm 21 bệnh nhân, 9 nhân viên y tế và 1 nhân viên thực tập. Tất cả các trường hợp có yếu tố liên quan dịch tễ, triệu chứng cúm nhẹ. Qua lấy mẫu xét nghiệm PCR cho 18 người gồm 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế cho thấy: 16 mẫu dương tính với virus cúm A(H1N1) pdm 2009 và 2 mẫu âm tính.

Trước dịch bệnh, Bộ Y tế làm gì?

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành các văn bản gửi các tỉnh, thành phố từ cuối năm 2017 và liên tục trong năm 2018 đôn đốc các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm (cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola), các bệnh dịch theo mùa cũng như phòng chống các bệnh lưu hành.

Trước thông tin dịch bệnh nguy hiểm Ebola tái xuất tại Công gô, Bộ Y tế họp đánh giá về mức độ tác động của nó tới Việt Nam và cho rằng, Việt Nam khó có nguy cơ bị dịch bệnh này tấn công

Ngoài ra với dịch bệnh nguy hiểm, Bộ Y tế cũng thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh do virus Ebola từ Tổ chức y tế Thế giới, cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện và đăng cập nhật trên website của Bộ Y tế, đồng thời thông báo cho các tỉnh, thành trong cả nước.

Riêng trước thông tin dịch bệnh Ebola bùng phát tại Công-gô, Bộ Y tế đã tổ chức họp bàn phòng Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam tại Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta và thống nhất chỉ đạo, điều hành công các ứng phó với dịch bệnh. Qua đánh giá, phía ngành y cho thấy Ebola khó có khả năng tấn công và xâm nhập vào Việt Nam.

Cần chú ý phòng chống dịch bệnh

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn không để các trường hợp mắc cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola xâm nhập vào Việt Nam. Đa số các bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên trong thời gian tới với sự gia tăng giao lưu, du lịch giữa các quốc gia, các vùng miền trong cả nước cùng với điều kiện khí hậu mùa hè rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, vì vậy nguy cơ dịch bệnh xảy ra nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

Bộ Y tế cảnh báo, người dân cần chú ý phòng tránh các bệnh lây nhiễm nên tiêm chủng vắc xin phòng ngừa... Ngay như sốt xuất huyết, mùa mưa là mùa dịch bệnh này phát triển.

Các bệnh nguy hiểm (Ebola, MERS-CoV) luôn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do vẫn diễn biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện tại, nguy cơ dịch Ebola lây lan vào nước ta là thấp, tuy nhiên không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam.

Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng (sởi, ho gà, bạch hầu …) có nguy cơ gia tăng do tiêm chủng chưa đạt được >95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, các địa phương có dân di biến động lớn.

Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng do vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Số ca tử vong do bệnh dại có thể vẫn tiếp tục ghi nhận do tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa cao, vẫn còn các trường hợp không đi tiêm phòng khi bị chó nghi dại cắn. Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ …) có thể gia tăng trong mùa hè do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tác giả: Hồng Ngọc

Nguồn tin: Báo Gia đình mới

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP