Tin trong tỉnh

Sự cố chạy thận ở Nghệ An: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan

Đây là khẳng định của người đứng đầu ngành y tế Nghệ An tại buổi họp báo công bố thông tin sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo ở tỉnh này.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết sẽ xử lý nghiêm những người có liên quan

Thông tin về kết luận của hội đồng chuyên môn về sự cố chạy thận ở Nghệ An sau nhiều ngày làm việc, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết: Nguyên nhân của sự cố là do nước bị nhiễm khuẩn. Hệ thống lọc nước R.O hoạt động hoàn toàn bình thường, nhưng hệ thống dẫn nước R.O đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Trước câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc xử lý trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan trong sự việc như thế nào?, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Khi xảy ra sự việc, Sở đã có những chỉ đạo khẩn cấp để xử lý sự cố và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Sở cũng kịp thời thành lập tổ chuyên ngành để cùng với bệnh viện xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Quan điểm của ngành là chủ động cung cấp thông tin, không để người dân hoang mang.

“Về trách nhiệm, chắc chắn sẽ phải thực hiện theo phân cấp. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phải chịu trách nhiệm trước Sở - cơ quan quản lý nhà nước đóng trên địa bàn, Sở phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, trước Bộ. Trước mắt, ưu tiên giải quyết sự việc, sau đó, căn cứ vào kết luận của hội đồng chuyên môn, Sở sẽ có tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý những người liên quan. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm túc, đúng người, đúng tội, những bộ phận liên quan” - ông Chỉnh cho biết.

Lý do nước bị nhiễm khuẩn được bác sĩ Dũng khẳng định là do đường ống gấp khúc

Đánh giá về các vụ việc tai biến y khoa liên quan đến hệ thống máy chạy thận nhân tạo liên tiếp xảy ra, Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Phân tích nguyên nhân dẫn đến 2 sự cố chạy thận ở Hòa Bình và ở Nghệ An, chúng tôi xác định, vụ việc ở Hòa Bình là do hóa chất tồn dư trong đường ống, còn ở Nghệ An là do vi khuẩn.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm: Hệ thống lọc nước R.O tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An được lắp đặt từ 2016, đến nay đã 5 năm. Tuy chưa đến hạn thay thế nhưng khi bảo trì hệ thống (ngày 23/6), chúng tôi đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho lãnh đạo bệnh viện. Ví dụ: Hệ thống đường ống dẫn nước đã sử dụng lâu, nhiều điểm nối, gấp khúc, mấp mô tạo điều kiện cho khuẩn lạ sinh sôi, làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng y khoa. Khi bệnh viện đang nghiên cứu thay thế thì xảy ra sự cố.

Bác sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho hay, kết quả phân tích mẫu nước sau sự cố cho thấy ở điểm đấu cuối của đường ống có yếu tố không đảm bảo. Cụ thể, có tổng số vi khuẩn cao vượt ngưỡng - là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bệnh nhân bị sốc khi chạy thận.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, chỉ khi khắc phục được các nguyên nhân, thay thế hệ thống dẫn nước R.O như khuyến cáo và đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định thì Sở mới xem xét cho hệ thống hoạt động trở lại.

Trước đó, vào chiều ngày 30/7, tại Khoa Nội thận Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã xảy ra sự cố ý khoa nghiêm trọng. 10/21 bệnh nhân có phản ứng bất thường khi đang chạy thận. Các bệnh nhân lập tức được bác sĩ cho dừng lọc máu. 4 bệnh nhân tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc. Số bệnh nhân còn lại bị nặng hơn với triệu chứng sốt rét rung, khó thở. Đến sáng 31/7, bệnh viện đã phải chuyển 2 bệnh nhân ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị vì quá nặng. 1 người tiếp tục được điều trị tại khoa cấp cứu. Đến nay, may mắn tất cả các bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch. Cũng vì sự cố này, 132 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ phải chuyển sang bệnh viện khác để tiếp tục điều trị.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP