Những cầu thủ từng tham dự World Cup U20 năm 2017 hiện đang khoác áo đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018, hiện có thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Đình Trọng, hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Quang Hải, cùng 2 tiền đạo Đức Chinh và Tiến Linh.
Những cầu thủ này đạt được hàng loạt kỳ tích cùng bóng đá Việt Nam trong năm 2018, bao gồm ngôi Á quân giải U23 châu Á hồi đầu năm và hạng tư nội dung bóng đá nam Asiad hồi giữa năm.
Sự thăng tiến của những Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Đình Trọng, Tiến Linh… cũng được đánh giá là rất đều đặn. Sau khi được biết đến ở giải U19 châu Á 2016 (vào bán kết), các cầu thủ này tham dự World Cup U20 năm 2017, tồi toả sáng ở giải U23 châu Á và Asiad trong năm nay.
Quang Hải ngày càng thăng tiến trong sắc áo đội tuyển Việt Nam (ảnh: Huyền Trang) |
Quang Hải từ chỗ chỉ ngồi dự bị cho đàn anh Công Phượng hoặc Thanh Trung ở đội tuyển quốc gia các năm trước, giờ là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam, đánh bật Thanh Trung khỏi danh sách tham dự AFF Cup 2018, cũng như đánh bật Công Phượng trong tư cách là cầu thủ được kỳ vọng nhiều nhất ở đội tuyển quốc gia.
Và hành trình của Quang Hải cũng như vị trí và vị thế của Quang Hải hiện tại được đánh giá là hết sức xứng đáng, một cầu thủ toả sáng bằng năng lực chuyên môn, đang trụ vững trên đỉnh cao cũng nhờ năng lực chuyên môn.
Trần Đình Trọng và Đoàn Văn Hậu cũng làm được điều tương tự ở hàng hậu vệ. Họ bắt đầu không phải là những lựa chọn ưu tiên trong sắc áo đội tuyển, nhưng giờ đang trở thành những người quan trọng bậc nhất.
Nguyễn Tiến Linh ở hàng tiền đạo chưa thực hiện được điều mà các đồng đội ngày nào ở World Cup U20 năm 2017 thực hiện, nhưng Tiến Linh cũng cho thấy triển vọng tươi sáng, và việc anh chưa có suất đá chính ở đội tuyển quốc gia vì đội tuyển hiện có trung phong Anh Đức quá hay và quá kinh nghiệm, chứ không phải vì Tiến Linh kém.
Ngược lại, sau khi giành quyền tham dự World Cup U20 năm 2015, thế hệ cầu thủ triển vọng ngày nào của bóng đá Myanmar không tạo được tiếng vang đáng kể.
Sau World Cup U20 cách nay 3 năm, những Aung Thu, Sithu Aung, Maung Muang Soe, Maung Maung Lwin… có vào đến trận chung kết nội dung bóng đá nam SEA Games năm 2015 tại Singapore.
Tuy nhiên, đấy là trận đấu mà họ thua xa Thái Lan, đồng thời sau bộ HCB ở SEA Games năm 2015, Myanmar vẫn tầm thường ở kỳ SEA Games tiếp theo (năm 2017), cũng như tầm thường ở AFF Cup năm 2016.
Vấn đề của bóng đá Myanmar vài năm qua là họ không biết tận dụng kinh nghiệm của thế hệ cầu thủ đi trước. Thường thì khi có một thế hệ cầu thủ nào đó nổi lên, gây tiếng vang đôi chút, những người làm bóng đá Myanmar thường gạt đi phần lớn thế hệ cầu thủ cũ, giao các đội tuyển cho thế hệ mới nổi lên nọ.
Vì cách làm đó mà cầu thủ Myanmar không có tính kế thừa, còn những thế hệ cầu thủ từng gây tiếng vang luôn trong cảnh thiếu kinh nghiệm, vì thiếu sự dìu dắt của các đàn anh.
Từng có lúc một số nhà quản lý bóng đá Việt Nam mắc sai lầm tương tự, như chuyện vội vã giao hết các nhiệm vụ quốc tế cho lứa Công Phượng và các đồng đội ít năm trước. May mà sự cảnh báo từ nhiều giới khiến cho ý tưởng sai lầm này không thể thực hiện, và bóng đá Việt Nam trở lại với quỹ đạo hợp lý hơn, trước khi các thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau, dìu dắt cho nhau, giúp các cầu thủ trẻ phát triển!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí