Giáo dục

Sự "thăng hoa" của đề thi

Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc với tranh cãi nhiều nhất quanh chuyện đề thi. Cũng phải nói, ban đầu, đề thi nhận được những đánh giá là có nhiều thay đổi, có sự "thăng hoa" nhưng có lẽ chưa đúng chỗ.

Đề thi hay với giáo viên giỏi

Ngay môn thi đầu tiên của kỳ thi là môn Văn, nhiều giáo viên đánh giá cao đề thi Văn, ngay từ câu đọc hiểu, câu nghị luận xã hội và cả nghị luận văn học. Về nội dung, chủ đề, yêu cầu... được nhiều người, đặc biệt là những giáo viên giỏi tỏ ra hết sức hứng khởi khi cho rằng môn Văn có một sự "lột xác", thể hiện được "cá tính" của người ra đề và đòi hỏi tư duy, lập luận của thí sinh.

Khi đó, chúng tôi cũng đã đặt lại vấn đề, mức độ khó của đề có thể phù hợp với học sinh thành phố, được tiếp cận với những phương pháp dạy học đổi mới, được rèn giũa với giáo viên giỏi. Còn đây là kỳ thi chung cho cả nước, cho cả học sinh ở vùng sâu vùng xa mà phần lớn thầy trò vẫn xem "sách giáo khoa là pháp lệnh".

Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Một giáo viên Văn đánh giá, dạng đề thi như thế này phù hợp với học sinh ở TPHCM vì các em đã quen từ THCS. Vậy nhưng, theo ghi nhận ban đầu, điểm môn Văn ở TPHCM cũng không mấy sáng sủa, có khi đến 6.000 bài mới có nổi 3 bài đạt điểm 8.

Phải nói rằng đề Văn năm nay hay nếu là kỳ thi cạnh tranh vào trường chuyên hay kỳ thi học sinh giỏi với thời gian làm bài là 180 phút. Còn đây, lại được "rơi" xuống kỳ thi phổ thông quốc gia với thời gian làm bài chỉ 120 phút. Nó cũng giống như câu chuyện "Đẹp mà không đẹp" - con ngựa được vẽ tên bức tường của Hùng. Hay nhưng có lẽ đặt chưa đúng chỗ.

Đề thi một số môn thi khác cũng trong tình cảnh như vậy. Đề hay nhưng không chỉ vượt sức học sinh, mà còn vượt sức cả giáo viên, như môn Toán, Lý may ra chỉ hay với giáo viên giỏi. Trong khi giáo viên đi dạy, chỉ tập trung vào một môn, còn học sinh phải trải dài với nhiều môn thi.

Là một nhà quản lý, tham gia phụ trách kỳ thi ở TPHCM, có trách nhiệm tuyên truyền về kỳ thi nhưng ngay sau buổi thi cuối cùng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM, cũng phải thốt lên rằng, ông là giáo viên dạy Toán (là giáo viên dạy Toán giỏi-PV) nhưng phải thừa nhận đề Toán khó.

Thế nên ông không thấy khó hiểu khi nhiều giáo viên ở thành phố mình nói rằng họ không thể làm được đề toán của kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong thời gian quy định.

Thi cử không phải là nơi thể hiện sự "thăng hoa"

Hiệu trưởng một Trường THPT ở TPHCM chia sẻ, chúng ta phải nhìn nhận đúng về đề thi. Thi cử không phải là nơi trình diễn thời trang hay diễn lịch để có thể đánh giá là đề thi hay hay dở. Đánh giá như vậy sẽ sa vào việc xem người ra đề là trung tâm, trong khi ở một kỳ thi, nhất là kỳ thi THPT quốc gia thì học sinh phải là trung tâm.

Đề thi là để đánh giá, kiểm tra năng lực quá trình học tập và rèn luyện của các em, không phải là để đánh đố, cũng không phải là nơi để người ra đề thể hiện sự "thăng hoa" của mình.

Đồng tình với ý kiến này, một nhà quản lý ở TPHCM cho rằng, đề thi năm nay là "đánh đố về mặt kiến thức". Với dạng đề như vậy, học sinh buộc phải ôm đồm, nhồi nhét rất nhiều kiến thức.

Đề thi là để đánh giá năng lực, kiểm tra năng lực chứ không phải "đánh đố" học sinh

"Đề thi nặng về kiến thức như vậy sẽ góp phần cho việc dạy thêm học thêm. Nó mâu thuẫn giữa chỉ đạo đổi mới cách học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học trò. Nhìn đề thi như năm nay, hỏi năm sau học sinh nào dám không đi học thêm?", ông thẳng thắn và cho rằng, đề thi sẽ tác động ngược, làm việc học thêm nặng nề, trở thành sự ám ảnh với không ít học trò, gia đình và cả giáo viên.

Nhiều năm làm quản lý tại các Trường THPT, ThS Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh, TPHCM bày tỏ, ông rất sợ... đổi mới thi cử một các chắp vá và lắt nhắt như nhiều năm gần đây. Học sinh với thầy trò quay cuồng, không ổn định. Dù luôn nghe áp lực thi cử sẽ giảm, học sinh không phải học thêm nhưng bản thân ông không tin.

"Năm nay, thầy trò rất vất vả học để học lại kiến thức lớp 11. Và tinh thần của năm nay là sẽ tiếp tục ôn kiến thức của lớp 10 thì nó còn khủng khiếp đến thế nào?", ThS Trần Trung Kiên nói.

Theo thầy Kiên, việc học bây giờ quan trọng nhất là trang bị cho các em khả năng tư duy, lập luận, nắm bắt vấn đề. Vậy nhưng, thông qua việc "đánh đố" từ kỳ thi thì rõ ràng chúng ta vẫn tập trung vào việc các em nắm được bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu con số.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP