Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc xây dựng kinh đô Huế đã được đặt cơ sở từ thời chúa Nguyễn nhưng các vua Nguyễn mới thực sự là những người kiến tạo và hoàn chỉnh về mọi mặt, từ quy hoạch đến cấu trúc đô thị.
Sau năm 1975, chính quyền mới đã kế tục việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản của cố đô Huế. Tuy nhiên do thực hiện khoanh vùng bảo vệ di tích theo luật và phải giới hạn trong những khu vực nhất định nên nhiều khu vực đồi núi, khe suối, ao hồ vốn được xem là các thực thể tự nhiên - các yếu tố phong thủy gắn bó chặt chẽ với di tích đã không thuộc khu vực bảo vệ của di tích, hệ thống phủ đệ, nhà vườn truyền thống cũng ở trong tình trạng tương tự. Bên cạnh đó là tình trạng dân cư sống trong khu vực di tích (bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm) rất phức tạp.
Sông Hương gắn liền với quần thể di tích cố đô Huế |
Theo GS-TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện nay việc bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan của quần thể di tích cố đô Huế có nhiều bất cập, việc bảo tồn di sản cảnh quan văn hóa tại quần thể di tích cố đô Huế chưa được chú trọng đúng mức. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích chỉ bó hẹp trong khuôn viên di tích mà chưa chú ý đến cảnh quan. Những yếu tố thiên nhiên quan trọng của kinh thành Huế như sông Hương, núi Ngự, cồn Hến, cồn Dã Viên... không được đưa vào khu vực bảo vệ của di tích.
Các chuyên gia đã kiến nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm có giải pháp xây dựng đô thị di sản trên cơ sở bảo tồn toàn vẹn quần thể di tích cố đô Huế; sớm hoàn thiện hồ sơ tái đề cử sông Hương vào danh mục công nhận di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO.
Tác giả: Q.Nhật
Nguồn tin: Báo Người lao động