Theo đó, ngày 17.9.2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 3475/QĐ-UBND, về việc phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025”.
Các giáo viên tiếng Anh sau khảo sát không đạt chuẩn sẽ bị điều chuyển. Ảnh: Quách Du |
Theo đề án, tất cả các GV tiếng Anh các cấp học đều phải tham gia khảo sát, kiểm tra trình độ năng lực. Sau khảo sát, nếu GV nào chưa đạt chuẩn thì phải bồi dưỡng để đạt chuẩn theo yêu cầu. Những GV không tham gia coi như không đạt chuẩn, Sở GDĐT sẽ xây dựng phương án điều chuyển, bố trí công việc khác, phù hợp với chính sách tinh giảm biên chế.
Sau khi nhận được thông tin trên, hàng nghìn GV tiếng Anh tại Thanh Hóa tỏ ra hoang mang và phản ứng. Các GV cho rằng, họ đã có chứng chỉ đạt chuẩn và được các trường Đại học (do Bộ GD&ĐT chỉ định) cấp. Nay tất cả lại phải đi khảo sát và thi lại để đạt chuẩn. Ngoài ra, về kinh phí tham gia khảo sát cũng khiến các GV lo lắng.
Chứng chỉ của các giáo viên tiếng Anh tại Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du |
Mới đây, ngày 13.2.2019, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn số 272/SGD ĐT-GDTrH, về kế hoạch cụ thể để tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực cho GV tiếng Anh trên địa bàn. Số lượng là 1.180 GV, được chia làm 2 đợt.
Cụ thể, đợt 1, khảo sát cho 630 GV tiếng Anh gồm: Số GV chưa đạt chuẩn; GV chưa tham gia khảo sát và GV đã tham gia khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn. Thời gian vào đầu tháng 3.2019.
Đợt 2, khảo sát cho 550 GV tiếng Anh bao gồm: Số lượng GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng; GV tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay. Thời gian vào cuối tháng 4.2019.
Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao đổi về vấn đề khảo sát, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các GV tiếng Anh trên địa bàn. |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, do những năm trở lại đây, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn quá yếu kém, thường xuyên xếp tốp cuối trong 63 tỉnh thành.
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh không ổn định khi phần lớn các GV tốt nghiệp hệ đào tạo không chính quy. Vì vậy, UBND tỉnh quyết tâm tiến hành khảo sát lại chất lượng của các GV.
“Việc các GV cho rằng, họ đã có chứng chỉ đạt chuẩn, nay lại phải đi khảo sát lại để đạt chuẩn. Vấn đề này, tỉnh căn cứ theo thông tư 23/TT-BGDĐT ngày 29.9.2017 của Bộ GD&ĐT. Thông thường hiệu lực của các chứng chỉ có thời hạn khoảng 2 năm. Sau 2 năm, phải khảo sát lại để cấp chứng chỉ mới” – ông Quyền nói.
Ông Quyền cho biết thêm, đối với những GV đã có chứng chỉ (dù còn hạn), thì đợt khảo sát này là dịp tốt để đánh giá lại năng lực, trình độ của mình. Từ đó, biết mình đang ở mức độ nào để tiếp tục phát huy và khắc phục những hạn chế.
“Về kinh phí thi, khảo sát và cấp chứng chỉ sẽ do ngân sách tỉnh chi trả, các GV không mất nghìn nào. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, thi không đạt, các GV phải đi học bồi dưỡng, hoặc tự bồi dưỡng. Kinh phí này các GV phải tự túc”- ông Quyền cho hay.
Tác giả: QUÁCH DU
Nguồn tin: Báo Lao động